[Zhihu] Đảo vĩnh viễn

Mùa hè năm 2005, tôi được chọn làm sinh viên trao đổi ở trường khoa học công nghệ Hồng Kông.

Trường học được xây trên ghềnh đá cao ven biển, có thể thấy cảnh biển từ cửa sổ thư viện, tôi đã ở nơi này rất nhiều đêm. Tôi học chuyên ngành lịch sử, tới đây chỉ đọc được tiếng Trung, cả khoa chỉ có mình tôi là người đại lục.

Tôi được phân ở một nơi cách trường học hơn mười phút đi bộ, trên sườn núi là các khu biệt thự san sát nhau, dưới núi là là khu của người già. Căn hộ cho thuê gồm hai phòng ngủ và một phòng làm việc chỉ có 50 thước vuông, tiền thuê nhà một tháng là năm nghìn nhân dân tệ. Ở gần có là quán 7-11 mở suốt 24 giờ, đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một cửa hàng tiện lợi mở cửa buôn bán suốt đêm. Trong lòng tôi, nó đại biểu cho Hồng Kông, vĩnh viễn sáng sáng rực, vĩnh viễn ở đây.

Tôi thích nhất buổi tối sau khi tắm xong đi 7-11 mua sandwich và sữa chua, vừa làm cơm tối vừa làm bữa khuya, như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền so với ăn ở căn tin. Tôi ngồi một mình trên ghế dài khi đèn đường đã sáng lên, đeo tai nghe nghe nhạc. Lúc ấy vẫn chưa biết Trần Dịch Tấn, chưa biết đến Dương Thiên Hoa, ở Hồng Kông này chỉ biết mỗi Châu Kiệt Luân.

Mấy cậu trai khôi ngô lái xe thể thao lao từ đỉnh núi xuống, đi qua tôi còn gào thét trêu đùa, còn những tốp nữ sinh mặc váy ngắn nữa. Bọn họ nhìn qua luôn vui vẻ, nhưng với tôi mà nói, bọn họ chính là một người Hồng Kông. Rất gần lại rất xa, thật chói mắt cũng thật vô tình.

Vào một ngày tháng 9, tôi ở thư viện viết báo cáo quên cả thời gian, lúc đến cửa hàng tiện lợi chỉ còn đúng một chiếc bánh sandwich. Tôi đứng dưới đèn đường, nhìn thấy một chiếc xe thể thao màu trắng bạc, dưới ánh trăng tỏa ra vầng sáng vô cùng xinh đẹp.

Một thiếu niên mặc chiếc áo phông đơn giản đang ngồi trên ghế chỗ tôi hay ngồi, bên cạnh là một con mèo đang biếng nhác nằm sấp. Cậu ấy nói chuyện với con mèo, tôi không nghe được tiếng Quảng nhưng thật sự thích giọng nói của cậu ấy, vừa biếng nhác vừa mang theo ý cười. Tôi nhìn cậu ấy và con mèo đến thất thần, đứng một lúc mới phát hiện mình bất lịch sự.

Lúc vội vàng xoay người định rời đi thì nghe thấy tiếng cậu ấy nói: “Cậu muốn ngồi đây không?”

Tôi cúi gằm mặt bước đến bên cạnh cậu ấy ngồi xuống, hai chúng tôi cách nhau một con mèo. Xé gói bánh sandwich, ngẫm nghĩ một lát, cuối cùng lấy hết dũng khí đưa một miếng cho cậu ấy. Cậu ấy sửng sốt cầm miếng bánh sandwich trong tay tôi, ý cười lan đến tận đuôi mắt, chỉ vào con mèo bên cạnh: “Cảm ơn, tớ có thể chia cho nó không?”

Tôi gật đầu, sau đó cậu ấy xé miếng bánh sandwich thành những mảnh nhỏ đặt bên miệng con mèo, nó ngóc đầu lên chậm chạp cắn một miếng. Cậu ấy cười khanh khách, cánh tay thoải mái gác lên lưng ghế, ăn hơn nửa miếng sandwich còn lại.

Chúng tôi cứ im lặng ngồi cạnh nhau như vậy, không ai lên tiếng, hương vị cỏ cây thoang thoảng vờn quanh chóp mũi, tràn ngập sức sống, có lẽ vừa mới được tắm mưa xong.

Chẳng biết đã qua bao lâu, tiếng xe thể thao gầm rú phá tan sự yên lặng của màn đêm, mấy chiếc xe huyênh hoang lao từ trên dốc xuống, sau đó lại mạnh mẽ lùi lại, dừng lại ngay trước mặt chúng tôi.

Cửa xe hạ xuống, một cậu bạn thò ra hỏi: “Nhạc Chi, cậu ở đây làm gì?”

Cậu ấy không nói gì, đứng lên vỗ nhè nhẹ vào đầu chú mèo bên cạnh, sau đó quay mặt cười với tôi rồi mới đi về phía chiếc xe Farrari màu bạc. Cửa xe chầm chậm mở ra, cậu ấy xoay người ngồi vào trong. Một đoàn xe thể thao nghênh ngang rời đi, cậu ấy dẫn đầu lao về thế giới phồn hoa dưới chân núi. Tôi giơ tay lên nhìn đồng hồ, nương theo đèn đường nhìn giờ giấc, đã hơn 12 giờ đêm.

Từ đó trở đi, mỗi tối tôi đều đi đến ghế dài, thỉnh thoảng có thể nhìn thấy chú mèo con lang thang kia.

Mười một giờ đêm, mấy nam sinh khoác vai nhau ôm bóng rổ rời đi, những cặp đôi yêu nhau đứng ở nhà ga nhẹ nhàng thủ thỉ, còn có thể nghe thấy tiếng côn trùng vang vọng. Đây là điểm tôi thích nhất ở Hồng Kông, mùa hè ở đây rất dài rất dài.

Cậu ấy xuất hiện trước mắt tôi một lần nữa, tiếng gầm rú của động cơ trong buổi đêm yên tĩnh lại càng trở nên rõ ràng. Tôi nghe thấy từ xa, xe phóng đến trước mặt tôi thì dừng lại. Cậu ấy ôm một túi thức ăn cho mèo rất to đi tới.

Cậu ấy rất cao, cao đến nỗi chặn hơn nửa ánh sáng đèn đường.

Tôi định chào hỏi cậu ấy, nhưng lại sợ cậu ấy không nhớ mình.

Đúng lúc này có con mèo chui vào chiếc túi to của cậu ấy làm loạn, cả hai bị chọc cười cười ra tiếng. Lúc bốn mắt nhìn nhau, tôi chỉ biết ngượng ngùng cúi đầu, cậu ấy giơ tay lên, cực kì tự nhiên ngồi xuống bên cạnh, giả bộ thất vọng nói: “Hôm nay không có sandwich à? Đói chết mất!”

Mặt tôi ửng đỏ nói với cậu ấy: “Thật xin lỗi, tớ không hiểu tiếng Quảng.”

Cậu ấy hơi sửng sốt, tiếp đó gật gật đầu, thay bằng tiếng phổ thông: “Ồ.”

Tôi thở dài nhẹ nhõm, chỉ vào con mèo lang thang: “Tên nó là gì?”

Cậu ấy mở túi thức ăn ra đặt trên ghế rồi ngồi xuống chỗ bên cạnh tôi, lắc đầu nói: “Tớ không phải chủ của nó, tớ không được đặt tên cho nó đâu.”

Tôi suy nghĩ một lát, nói: “Nói không chừng ở trong lòng nó đã lén đặt cho cậu một cái tên để nhớ cậu thật lâu, ờ, người đó đã mua thức ăn cho mình.”

Cậu ấy quay đầu nhìn tôi, ánh mắt của cậu ấy lấp lánh như ánh sáng phồn hoa nơi chốn đô thành.

Cậu ấy cười rộ lên lộ ra hai chiếc răng khểnh: “Vậy gọi nó là Sandwich nhé.”

Nói rồi vươn tay về phía tôi: “Tớ tên là Trầm Nhạc Chi.”

“Nguyễn Diên.” Tôi nói.

“Là Diên trong diên vĩ đúng không? Đây là lần đầu tiên tớ gặp người mang họ Nguyễn.”

“Ừ, tớ đến từ lục địa, quê ở phương Bắc rất xa nơi này.”

Lúc cúi đầu xuống chợt nhìn thấy đôi giày màu trắng vô cùng sạch sẽ của cậu ấy, có lẽ rất đắt tiền. Tôi lén thu giày của mình về, giấu nhẹm trong bóng tối không ai nhìn thấy. Rất nhiều năm sau, mỗi khi gặp người đàn ông nào tôi vẫn luôn có thói quen cúi đầu nhìn giày của họ. Màu đen, màu xanh, màu nâu, giày bóng rổ, giày thể thao, giày da… nhưng chưa bao giờ được thấy lại một đôi giày màu trắng sạch sẽ giống của cậu ấy nữa.

Chúng tôi đều lạc lõng trong thế giới khổ cực bôn ba, nhưng Trầm Nhạc Chi thì khác, ngay từ khi sinh ra cậu ấy đã là đứa con của trời, sống trong mây hồng làm sao có thể nhiễm khói bụi trần gian?

Lần tiếp theo tôi gặp Trầm Nhạc Chi là ở trường học.

Ở cửa bể bơi, tóc cậu ấy hơi ướt rủ xuống trên trán, thoạt nhìn trông thật giống một đứa trẻ con. Tôi cúi đầu nghe hát, trong lòng là cậu ấy, trước mắt cũng là cậu ấy, bỗng dưng nói không nên lời, sau đó mới biết hóa ra chúng tôi là bạn cùng trường.

“Nhóc con.” Cậu ấy gọi tôi.

Hai chúng tôi đứng đối mặt nhau trên chiếc cầu vượt, cuối cầu chính là biển rộng, xen giữa từng ngọn gió rong ruổi muôn nơi, chẳng biết vì sao bỗng dưng tôi lại muốn khóc.

“Cậu đang nghe bài gì thế?” Cậu ấy hỏi.

Tôi không trả lời, chỉ gỡ xuống một bên tai nghe đưa cho cậu ấy. Cậu ấy hơi cúi người xuống, mặt tôi đỏ bừng, nhón mũi chân nhét tai nghe vào tai cậu ấy. Giọng ca của Châu Kiệt Luân mơ hồ vang lên: “Anh nguyện ôm lấy những tia nắng trên đỉnh đầu, chỉ vì muốn đứng bên cạnh che ô cho em.”

“Ha.” Cậu ấy cong khóe mắt cười, áo phông màu trắng bị gió thổi tung, cậu ấy nói: “Nhóc con.”

Chúng tôi sóng vai nhau ra khỏi trường học, thật may ban đêm không có người, tôi rất sợ gặp bạn bè cậu ấy. Sợ cậu ấy giới thiệu tôi với bạn, lại sợ cậu ấy lúng túng không giới thiệu. Hai đứa cầm thức ăn đi tìm Sandwich, chợt phát hiện trong lùm cây nở rộ một khóm hoa.

“Là cây xương rồng.” Cậu ấy nói với tôi.

Ngày hôm ấy không tìm thấy Sandwich, nhưng tôi thật sự rất vui, cảm thấy mình cách cậu ấy rất gần. Chúng tôi ngồi trên hàng ghế dài dưới ánh đèn đường, mỗi người đeo một bên tai nghe nhạc ngồi ngắm trăng sáng, chẳng ai nói với nhau câu nào.

Lúc phải tách ra, cậu ấy cười nói: “Ngày mai gặp.”

Không phải ngày nào tôi cũng gặp được Trầm Nhạc Chi.

Có một lần gặp cậu ấy ở bờ biển, lúc đó khoảng ba bốn giờ chiều, ánh mặt trời hãy còn chói chang, tôi ngồi trên tảng đá ngắm nhìn sóng biển. Bỗng nhiên nghe thấy có ai đó gọi tên, tôi quay đầu lại, nhìn thấy Trầm Nhạc Chi mặc chiếc áo sơ mi đen, gió biển thổi tung mái tóc cậu ấy. Phía sau cậu ấy có năm sáu người, cả nam cả nữ. Con trai đều cao lớn đẹp trai, con gái thì mặc quần soóc ngắn lộ ra cặp chân dài nõn nà. Ánh mắt mọi người đều dừng lại trên người tôi tò mò đánh giá. Đầu tôi trống rỗng, đến khi phản ứng lại mới vội xoay người chạy đi thật xa. Dường như nghe thấy bạn cậu ấy hỏi tôi là ai, nhưng thật may không nghe thấy câu trả lời của cậu ấy.

Có đôi khi tôi hy vọng mình và Trầm Nhạc Chi chỉ gặp nhau ở chỗ kia, trên hàng ghế dài ngoài cửa hàng tiện lợi được ánh đèn đường chiếu rọi, thời gian dừng lại ở đó thì tốt biết mấy.

Để tôi quên đi bản thân mình, quên đi chiếc siêu xe của cậu ấy, căn biệt thự của cậu ấy, thân phận của cậu ấy, quên đi ngoại hình anh tuấn và tuổi trẻ nhiệt huyết của cậu ấy.

Cậu ấy nói tiếng Quảng rất lưu loát, ăn hải sản và món ăn Quảng Đông lớn lên, tất cả bạn bè đều ở nơi này.

Còn tôi thì sao, rồi sẽ có một ngày tôi phải nói lời tạm biệt với thành phố này.

Tôi không giống như người ta, tôi chỉ là một con bé đi trao đổi sinh viên, chứng chỉ chỉ có hiệu lực một năm. Bất kể thành tích có cao đến đâu thì cũng không thể lấy được tấm bằng tốt nghiệp ở đây, thời gian bây giờ phải dùng mỗi ngày đánh đổi.

Đến tối Trầm Nhạc Chi đến băng ghế dài tìm tôi.

“Nhóc con, ban ngày gặp cậu…” Cậu ấy cúi người xuống che đi ánh sáng đèn đường: “Chạy gì mà chạy.”

Tôi ngượng ngùng cười: “Bị muộn học ấy mà.”

“Ha.” Trầm Nhạc Chi ngồi xuống bên cạnh: “Cuối tuần này có rảnh không?”

“Hả?”

“Du thuyền ngắm cảnh, tụi nó hỏi cậu có muốn đi cùng không.”

Tôi lắc đầu: “Hay là thôi.”

“Bình thường cuối tuần cậu làm gì?”

“Viết báo cáo, đọc sách. Tớ rất vô vị, còn chưa đi Vượng Giác nữa, nên đến giờ vẫn còn chưa phân biệt được nó với Tiêm Sa Chủy.”

“Cậu chưa đi Vượng Giác sao?” Cậu ấy mở to hai mắt nhìn tôi: “Cậu nói đùa đấy à? Kennedy? Núi Thái Bình? Happy Valley?”

Tôi lắc đầu từng cái một.

“Cậu đến Hồng Kông bao lâu rồi?”

Tôi nói dối: “3 năm.”

Trầm Nhạc Chi đứng lên, nháy mắt với tôi một cái: “Đi thôi, tớ đưa cậu đi Vượng Giác.”

“Bây giờ ư?”

Nửa tiếng sau tôi đã đứng trong một nhà sách cũ ở Vượng Giác.

Trên gác chật hẹp ở tầng hai, trong gác xép chất đầy sách, Trầm Nhạc Chi đứng trước một chồng sách lật giở hồi lâu. Lúc đi khỏi tôi mua một quyển Thơ Đường và một quyển Đường Tống, sách viết bằng chữ phồn thể, giá cả không rẻ lắm, nhưng tôi thật sự rất muốn mua cái gì đó coi như là kỉ niệm. Tôi thích cuốn Bạch mã khiếu tây phong nhất, những thứ mọi người thấy hay tôi lại không thích. Ân oán giang hồ nào có nữ nhân mơ mộng tình dài.

“Ước mơ của tớ là mở một tiệm sách, trong đó có rất rất nhiều sách, anh cứ thoải mái chọn, không cần nói chuyện với tôi.”

“Hình như cậu không thích nói chuyện với người khác lắm.” Cậu ấy đưa tay ra sau đầu, đứng ngược hướng với dòng người tấp nập.

Tôi gật đầu: “Nếu có kiếp sau, tớ muốn làm một gốc cây thực vật, yên lặng hấp thụ ánh sáng mặt trời và những cơn mưa xối xả, cố gắng làm cho thế giới này trở nên đẹp đẽ hơn.”

Đèn đỏ vụt sáng, chúng tôi dừng lại, đứng ở đầu đường Hồng Kông về đêm, cậu ấy nói với tôi: “Cậu đã rất đẹp rồi.”

Ngày hôm sau Hồng Kông đón một trận mưa lớn.

Dự báo thời tiết nói có bão đổ bộ, các trường học được nghỉ một ngày, người Hồng Kông đều đã quen với việc này, chỉ có một mình tôi thấp thỏm lo âu. Tôi đứng dưới đèn đường đợi Trầm Nhạc Chi: “Tớ không tìm thấy Sandwich.”

Cậu ấy vẫy tay ý bảo tôi đi theo, chúng tôi vào 7-11 mua một chiếc đèn pin rồi đi dọc theo đường núi. Ban đêm thật tĩnh lặng, chúng tôi đè thấp giọng gọi Sandwich, chỉ sợ làm người khác tỉnh giấc.

“Nhóc con, cậu sẽ rời khỏi Hồng Kông à?” Cậu ấy đột nhiên hỏi.

Tôi vờ như mình không nghe thấy: “Hả?”

Cậu ấy nhún vai: “Sau khi tốt nghiệp tớ sẽ đi Mỹ học điện ảnh, cậu có muốn đi cùng tớ không?”

Khuôn mặt tôi chìm trong bóng đêm, như vậy thật may, vừa hay không để cậu ấy thấy vẻ bối rối của mình.

Tôi hỏi: “Cậu muốn đóng phim à?”

Cậu ấy gật đầu: “Phim ảnh ở Hồng Kông phát triển lắm, nơi đây là quê hương của tớ.”

Sau trận mưa xối xả, lùm cây tản ra mùi hương tươi mát. Cậu ấy bỗng nhiên dừng chân, ngắm cảnh dưới dốc: “Cậu đã nhìn thấy cảnh đêm ở núi Thái Bình chưa? Có thể nhìn toàn cảnh cảng Victoria nữa.”

Tôi lắc đầu.

Trầm Nhạc Chi quay lại nhìn tôi, cậu ấy cười rộ lên: “Vậy cậu không cần đi xem đâu, ở đây đẹp hơn.”

Tay tôi đặt trong lòng bàn tay cậu ấy, đây là lần đầu tiên được chạm vào cậu ấy, lòng bàn tay của cậu ấy thật ấm áp, dễ dàng kéo tôi đi.

Trầm Nhạc Chi, chắc hẳn cậu đã từng ngắm nhìn vô số phong cảnh bao la hùng vĩ đúng không?

Còn tớ, dù có đi qua bao nhiêu cảnh đẹp cũng chẳng bằng đi bên cạnh cậu.

Âm thanh nhỏ vụn hòa lẫn trong màn đêm mênh mang càng làm cảm động lòng người, khiến cho người ta muốn khắc ghi trọn đời trọn kiếp, không phải là ngọn đèn của vạn nhà dưới chân, mà là thời khắc được đứng kề bên cậu.

Một trận gió thổi qua, chúng tôi nghe thấy âm thanh sột soạt. Tôi ngồi xổm xuống, nó liền nhào vào trong ngực. Kí túc xá của tôi cấm nuôi thú cưng, trong nhà Trầm Nhạc Chi lại có người dị ứng lông mèo. Tôi buồn bã ôm Sandwich, tôi chưa từng gặp bão bao giờ, thế nhưng bây giờ còn lo cho Sandwich hơn cả bản thân.

Trầm Nhạc Chi rút điện thoại ra gọi điện, nói với người bên kia: “Tớ mời cậu đi ăn cơm.”

Không lâu sau có một chiếc xe việt dã đi lên từ chân núi dừng lại trước mặt chúng tôi. Một cô gái mặc áo trắng quần soóc bò đi xuống, da của cô ấy phơi nắng thành màu lúa mạch rất đẹp.

Cô ấy cau mày nói: “Trầm Nhạc Chi, cậu có biết cậu rất đáng ghét không?”

Trong nháy mắt ánh mắt của Trầm Nhạc Chi sáng lên, cậu ấy nói: “Tống Minh Lãng, đã nói với cậu bao nhiêu lần rồi, lái xe chậm một chút.”

Cô gái được gọi là Tống Minh Lãng đi đến trước mặt tôi, vươn tay đón lấy Sandwich trong ngực. Tôi nhớ rõ buổi đêm hôm ấy, không có trăng, không có sao, cũng không có gió, tôi đứng trên đỉnh núi ngăn cách với trời có thể thấy cả đảo Hồng Kông. Đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Sandwich.

Sau khi cơn bão qua đi, Sandwich ở nhà Tống Minh Lãng bị ngã từ cửa sổ xuống gãy cả chân trước. Ngay trong đêm Tống Minh Lãng đưa nó đi tìm bác sĩ thú y, sau khi kiểm tra mới phát hiện mắt nó bị thương nặng, một bên đã bị mù. Cuối cùng Tống Minh Lãng quyết định nuôi nó. Tôi áy náy muốn chết, mình thế mà chưa từng phát hiện ra chuyện mắt Sandwich bị thương, chưa từng nghĩ tới lý do tại sao nó phải đi lang thang, nói không chừng là bị người chủ cũ vứt bỏ, hay có khi quên mất đường về nhà.

Trầm Nhạc Chi an ủi nói: “Lúc nào cậu muốn gặp nó thì tớ sẽ đưa cậu đến nhà của Tống Minh Lãng, cậu đừng buồn.”

Như vậy thật tốt, nhưng tự đáy lòng tôi đang tự nói với chính mình, sớm muộn gì cũng sẽ có một ngày tôi phải rời xa, mà một ngày nào đó nó cũng sẽ già đi. Có người thay tôi chăm sóc nó, cho nó một mái nhà, dù cho nó không nhìn thấy gì cũng có thể bình yên đi vào giấc ngủ, đây đã là chuyện đáng mừng nhất. Nhưng tôi không còn được gặp lại Sandwich, cho nên ở trong kí ức của tôi nó sẽ không bao giờ già đi.

Không có Sandwich, tôi cứ tưởng mình đã không còn lý do đi gặp Trầm Nhạc Chi.

Nhưng ngay ngày hôm sau, khi tôi chạy hồng hộc đến cửa hàng tiện lợi đã thấy một cậu thiếu niên mặc chiếc áo màu đen, giơ gói to trên tay mình lên, khua khua trước mặt tôi cười: “Nếu lần sau cậu đến muộn tớ sẽ không để phần cho cậu nữa đâu.”

Chúng tôi ngồi sát bên nhau, cậu ấy dạy tôi chơi PS3. Cậu ấy thích Trần Dịch Tấn, còn dạy tôi hát bài Chi bằng không gặp.

Khuôn mặt tươi cười tôi muốn gặp chỉ còn là hoài niệm, bối rối không biết phải nói tiếp thế nào. Tôi chỉ biết hát duy nhất câu này, bởi vì nó nghe rất giống quốc ngữ.

Mùa đông ở Hồng Kong tới rất muộn, nhưng đến một cái là lạnh buốt. Trường học nằm ở bờ biển, ngày ngày sương mù bao quanh, quần áo và khăn mặt phơi mãi mà vẫn chưa thấy khô. Tôi và bạn cùng phòng muốn mua một chiếc máy sấy, đi siêu thị xem giá xong liền từ bỏ ngay ý định này. Ban đêm tôi bắt đầu mất ngủ, đi tất vẫn không chịu nổi, ban đêm lạnh hơn ban ngày rất nhiều. Lúc nào ngủ không được sẽ ngồi bên cửa sổ đếm sao, đếm mãi đếm mãi mới nhận ra, khi mùa đông kết thúc cũng là lúc mình phải rời đi. Về quê hương của tôi, nơi đó cái gì cũng tốt, chỉ là không có cửa hàng tiện lợi mở cửa suốt hai mươi tư giờ.

Trầm Nhạc Chi đưa tôi đi ăn cua, những hai ngàn một mâm. Ngay cả cách ăn tôi còn không biết, chỉ biết xấu hổ cúi thấp đầu, dùng sức một chút lên cái kìm trên tay, thịt cua bị kẹp nát bấy.

Trầm Nhạc Chi lắc đầu: “Con gái chỉ có ăn là giỏi thôi.”

Cậu ấy giúp tôi tách thịt cua từng chút một, rượu mơ ấm áp theo cổ họng nồng lên đến mũi. Ăn xong cua tôi bắt đầu đau bụng, trên trán đổ mồ hôi lạnh, đến đi còn không vững. Lúc đứng lên quay đầu lại nhìn, phát hiện trên ghế đỏ một vùng.

Trầm Nhạc Chi nhanh chóng cởi áo khoác ra, ngồi xổm xuống buộc áo bên hông tôi, sau đó cậu ấy đứng lên vỗ vỗ đầu tôi nói: “Nhóc con.”

Bây giờ tôi mới biết cua có tính hàn, không nên ăn trong kì kinh nguyệt.

Trầm Nhạc Chi đi cửa hàng tiện lợi mua thuốc giảm đau, cậu ấy cau mày chăm chú đọc từng thành phần, cách sử dụng và lưu ý của thuốc. Người tôi lạnh ngắt, uống xong thuốc đã hơi buồn ngủ, Trầm Nhạc Chi nhỏ giọng nói: “Cậu theo tớ về nhà đi.”

Đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất tôi đến nhà của Trầm Nhạc Chi.

Căn biệt thự đứng sừng sững trên núi, trong gara để xe không biết có bao nhiêu siêu xe, đỗ dài ở ven đường cũng có. Quản gia và bảo an thức trắng đêm không ngủ, xếp hàng hai bên đường gọi cậu ấy hai tiếng “cậu chủ”.

Tôi giống như cô bé lọ lem bẩn thỉu, chỉ biết cúi đầu không dám nói một câu.

Bố mẹ của Trầm Nhạc Chi không có ở nhà, cậu ấy để tôi ngủ ở phòng mình, cậu ấy nghĩ như vậy mới là chu đáo. Từ ngày tôi đến Hồng Kông chưa từng thấy căn phòng nào lớn thế này, chỉ một căn phòng ngủ thôi mà lớn hơn cả căn hộ tôi thuê.

Cậu ấy để một ngọn nến thơm ở đầu giường, vỗ vỗ đầu tôi nói: “Ngủ ngon.”

Tôi tắt đèn rồi nhắm mắt lại, nằm trên giường không dám động đậy, chỉ sợ mình làm bẩn giường cậu ấy.

Chúng tôi chỉ cách nhau một bức tường, tôi vươn tay ra chạm lên chiếc tường bị bóng tối bao trùm, thật dày, hệ thống lò sưởi trong phòng cũng không thể làm nó ấm lên.

Suốt một đêm không ngủ, nằm trên chiếc gối mềm mại, mùi hương của ngọn nến rất thơm, trên giá áo vẫn treo áo khoác của cậu ấy, sao tôi có thể đi vào giấc ngủ đây, rõ ràng là tôi đang ở trong mơ.

Tôi nghiêng đầu, nhìn mặt trời trên biển chầm chậm nhô cao. Tôi lén dậy đi giặt sạch áo khoác của Trầm Nhạc Chi, lúc lật mặt trái áo ra thấy hàng nhãn hiệu tiếng Anh, nhìn nó thật lâu mà chỉ có thể cười khổ.

Trầm Nhạc Chi mang đồ ăn sáng đến cửa phòng, nhìn thấy tôi đã thu dọn chỉnh tề, hơi sửng sốt: “Cậu nên ngủ thêm lúc nữa đi.”

Tôi mỉm cười đưa áo cho cậu ấy.

Bây giờ đến cậu ấy cười khổ: “Cậu không cần tự tay giặt đâu.”

Tôi gật đầu nói: “Tớ biết.”

Từ đó về sau, hôm nào đi ăn cơm cùng nhau cậu ấy đều chọn những đồ ăn ấm nóng. Chúng tôi đi quán mì Nhất Lan mở cửa suốt hai mươi tư giờ, ngồi đối diện nhau cách đối phương rất gần. Đã 3 giờ sáng nên quán có rất ít khách, có thể nghe thấy âm thanh rửa chén đĩa của nhân viên, ngay cả nước dùng tôi cũng uống cho bằng sạch.

Hồng Kông thật kì lạ, đêm khuya tôi vừa ăn hải sản vừa nghĩ, nơi nơi đều là người có tiền, chỉ đi ăn quán vỉa hè thôi mà họ toàn đi siêu xe.

Mùa đông qua đi rất nhanh, hòn đảo này không có mùa xuân và mùa thu.

Ban ngày tôi và Trầm Nhạc Chi rất khó gặp được nhau.

Cậu ấy đi nội thành về mua cho tôi bánh pudding, tôi xỏ dép lê chạy xuống tầng đợi cậu ấy, cậu ấy vẫy vẫy tay: “Cậu tới đây.”

Chúng tôi băng qua chỗ treo quần áo bên nhà hàng xóm, rẽ một khúc cua thì cậu ấy dừng lại. Tôi đang đứng ở một ngõ hẹp trên dốc, đường nhỏ uốn lượn cách ánh mặt trời rất xa. Hai bên là ba căn nhà không cao lắm, chắc hẳn tuổi đời đã lâu rồi, vách tường đã loang lổ gần hết. Trên đỉnh tường có một khóm hoa tôi chưa bao giờ nhìn thấy, tươi đẹp mà tràn đầy sức sống đang đua mình khoe sắc.

Tôi ngẩng đầu lên hỏi: “Đây là gì?”

“Tam giác mai.” Cậu ấy nói

“Đẹp thật đấy.”

Tôi ngơ ngác ngắm nhìn tam giác mai trên đỉnh tường, màu sắc rực rỡ, dưới ánh mặt trời đường đường chính chính toả hương thơm ngát.

Đó là thanh xuân tôi chưa từng có được.

“Trên thế giới này sao lại có loài hoa xinh đẹp đến vậy.”

Đây là loài hoa chỉ có ở phía Nam nóng bức. Vì thế tôi kể cho Trầm Nhạc Chi nghe về quê hương của mình.

“Ở phương Bắc một nửa thời gian trong năm là mùa đông, lò sưởi phải bật đến tận tháng tư. Mười tháng không dám ra ngoài, bên ngoài tuyết bay tán loạn, ngắm nhìn lâu sẽ khiến người ta cảm thấy trống trải cô liêu. Trời tối rất sớm, bốn giờ đã tan học, các cửa hàng đều đóng cửa, mới bảy giờ tối mà trên đường đã trống trơn. Con gái ở đó không thích ăn diện, thành phố rất nhỏ, ngay cả quán cà phê cũng không có mấy. Ở nơi đó hôm nào chúng tớ cũng ăn mì phở, tới phía Nam lần đầu tiên được ăn hà phấn.”

“Thật sự rất khác nhau.”

“Đúng vậy.” Tôi sờ mũi nói: “Rất an bình, đủ để người ta ở lại đó một đời.”

“Quyết định vậy đi.” Cậu ấy bỗng nhiên cất lời.

“Hả?”

“Đến mùa đông sẽ tới quê hương của cậu ngắm tuyết.” Cậu ấy nói rất tự nhiên.

Tôi bị dọa sợ, liên tục lắc đầu: “Khác Thụy Sĩ và Phần Lan nhiều lắm, cậu sống không quen, cũng ăn không quen đâu.”

Cậu ấy không nói gì nữa, chỉ mỉm cười nhìn tôi, hai người đứng đó bốn mắt nhìn nhau. Một lúc sau Trầm Nhạc Chi cười rộ lên: “Một lời đã định. Tớ đưa cậu đi trượt tuyết, còn có thể phóng pháo hoa trên mặt hồ đóng băng, vừa lạnh vừa sáng.”

Sau đó là những kì thi nối tiếp nhau không dứt, thời gian tôi và Trầm Nhạc Chi gặp nhau ngày càng ít đi.

Mãi đến khi thi xong môn cuối cùng, lúc về phòng ngủ bạn cùng phòng hỏi có muốn cậu ấy thu xếp hành lý giúp không. Tôi chỉ vào một góc chật hẹp: “Không có đồ gì đâu.”

Đầu giường đặt hai cuốn sách Thơ Đường và Đường Tống, còn hơi hé ra chiếc đĩa CD của Trần Dịch Tấn được Trầm Nhạc Chi tặng.

Tôi nhắn tin cho cậu ấy: Tớ muốn ăn mì xa tử.

Trầm Nhạc Chi lái xe đưa tôi đi ăn mì. Chúng tôi mở thực đơn, dùng bút máy phác thảo trên đó, loại mì, độ dày, độ mềm cứng, ăn với đồ ăn nào, tất cả đều tự mình chọn lựa.

Trong lúc chờ mì, tôi nói với Trầm Nhạc Chi: “Hôm nay tớ mời.”

Cậu ấy không hề gì gật đầu.

“Còn một chuyện nữa, tớ sẽ học hát bài ‘Chi bằng không gặp’.”

Trầm Nhạc Chi buồn chán xoay bút máy: “Thật ra bài hát này có một bản cũ dùng ca từ quốc ngữ, tên là ‘Đã lâu không gặp’.”

Tôi nghĩ một lát: “Tớ thấy ‘Chi bằng không gặp’ hay hơn.”

“Tại sao?”

“Không phải vì lời bài hát đó sao, bởi vì bất kể thế nào cũng không thể quay lại khoảng thời gian yêu nhau, đã không thể quay về những năm tháng ấy để thay đổi một kết cục khác tốt đẹp hơn.”

Trầm Nhạc Chi nhìn tôi, muốn nói rồi lại thôi, cuối cùng chỉ nói: “Nói không chừng có một ngày cậu sẽ hiểu.”

Mì đã bưng lên, tôi ăn thật chậm thật chậm, đến nước mì cũng uống sạch sẽ không còn một giọt.

Ngày hôm ấy ánh trăng rất sáng, cậu ấy cười vẫy tay với tôi như bao lần: “Ngày mai gặp.”

Khoảnh khắc đó trong lòng tôi bỗng nhiên dâng lên một loại xúc động, tôi muốn nói tất cả cho cậu ấy hay, muốn vì phần hèn mọn trong tim nói ra một lời xin lỗi. Đứng trước mặt cậu ấy cúi đầu, nói với cậu ấy tớ rất xin lỗi, tớ đã nói dối cậu. Nói với cậu ấy rằng mình phải rời đi, sau đó nhìn thẳng vào mắt cậu ấy hỏi một câu: Trầm Nhạc Chi, cậu sẽ nhớ tớ chứ?

Tôi hơi hé miệng: “Tớ…”

Đứng đối diện với đèn xe sáng chói, sắc vàng lập lòe rọi trong đêm, cửa xe mở ra, Trầm Nhạc Chi nghiêng đầu: “Hả? Cái gì?”

Tôi lắc đầu, nở một nụ cười: “Ngày mai gặp.”

Cậu ấy lại thay một chiếc xe mới, đối với cậu ấy mà nói đây có thể chỉ là một món đồ chơi không hơn không kém, còn tôi có lẽ cả đời này cũng không mua được. Làm sao tôi có thể mơ mộng hão huyền, rằng có thể ở bên cậu ấy đi tiếp đoạn đường về sau.

Tạm biệt một thành phố thật sự rất dễ dàng, giao thông tiện lợi, có xe buýt chạy đến tận sân bay, tiền vé xe 54 tệ, không chênh lệch bao nhiêu so với một bát mì xa tử. Mang điện thoại và thẻ thanh toán, tiền thế chấp sau này sẽ trả lại bạn. Tôi chỉ có 3 thước hành lí, bên trong nhét quần áo cả một năm, máy tính, vật dụng hàng ngày, hóa đơn của cửa hàng tiện lợi. Sau đó xuyên qua một đường hầm, thỉnh thoảng có thể nhìn thấy biển rộng qua ô cửa sổ, thỉnh thoảng sẽ thấy núi non trùng trùng, ô tô cứ đi về phía trước, bỏ lại đằng sau người người đi lại vội vàng. Ngày tôi ra đi Hồng Kông đổ một trận mưa lớn.

Mùa hè đã qua.

Kì khai giảng tháng 9, tôi bắt đầu bước vào năm thứ tư đại học, bước vào vòng xoáy tốt nghiệp.

Ở hòn đảo ngày ngày đêm đêm, giống như trải qua một giấc mộng dài. Tôi phải chuẩn bị thi, ôn tập suốt cả đêm, thầm nghĩ thi vào Quảng Đông. Bạn bè xung quanh ai cũng khuyên tôi cứ ở lục địa kiếm một công việc an nhàn mà làm.

Dù sao học lịch sử cũng vô dụng. Họ nói vậy.

Tôi nghĩ bọn họ không hiểu, khi bạn chưa ra ngoài nhìn thế giới rộng lớn ngoài kia thì bạn sẽ không bao giờ thuyết phục được bản thân mình học cách chấp nhận.

Ngày hoàn thành kì thi, bố tôi đột ngột ngất xỉu trên bàn làm việc. Khi đưa đến bệnh viện cấp cứu chẩn đoán là bị chảy máu não, thật may cấp cứu kịp thời, nguy hiểm đã qua, nhưng phải nằm trên giường bệnh một thời gian dài. Tôi và mẹ tuyệt vọng ngồi bên giường, bệnh viện là một nơi rất kì quái, cửa phòng và hành lang luôn luôn trái ngược. Dòng người đi lại như mắc cửi, nhưng một khi đi vào phòng bệnh sẽ thấy nó thật sự hoang vu trống trải.

Tôi tra thành tích thi viết của mình, tất cả các môn đều xếp thứ nhất. Tôi ngồi một mình trong phòng, đáy lòng nặng trình trịch, không có một tia vui vẻ, trên tay là chiếc điện thoại phát ra giọng ca của Trần Dịch Tấn.

Tôi muốn nói chuyện với ai đó để bản thân được mặc sức kể chuyện xưa. Kể rằng ở Hồng Kông trời mưa không dứt, kể rằng hoa quả ở siêu thị đã đắt lại còn nhỏ, kể rằng chúng tôi ngồi bên nhau phơi nắng trên đảo, còn hẹn nhau sau khi kì thi kết thúc sẽ đi ngắm nhìn biển lớn. Thế nhưng chẳng có một ai.

Khi đó tôi đã đổi số điện thoại về số nội địa, hoàn toàn mất liên lạc với Trầm Nhạc Chi.

Thật ra muốn tìm một người rất dễ dàng, tôi có thể vượt tường lửa lên Twitter nhìn cậu ấy ngày một đổi thay. Không nhiều đâu, chỉ cần nhìn bể bơi trong trường học hứng những giọt mưa ngày hôm ấy. Tôi ghé vào bàn, trong đêm khuya không kiềm chế được khóc không thành tiếng.

Trầm Nhạc Chi, Trầm Nhạc Chi, Trầm Nhạc Chi…

Tôi quyết định bỏ thi vòng hai ở lại lục địa, đến trường đại học làm quản lý thư viện. Công việc rất nhẹ nhàng, mỗi ngày đúng giờ thay ca, vẫn có đủ sức đi chăm sóc bố. Lúc đi làm còn có thể đọc sách, đãi ngộ cũng tốt. Người thân đều nói, không biết chừng sau này tốt nghiệp nghiên cứu sinh rồi không có được cuộc sống như thế nữa đâu. Tôi hẳn phải cảm thấy mình thật may mắn, không phải sao?

Có một lần tình cờ lên Twitter nhìn thấy Trầm Nhạc Chi, cậu ấy thật sự đi Mỹ học nghiên cứu sinh ngành điện ảnh. Trong ảnh là hình cậu ấy chụp chung với cô gái tên Tống Minh Lãng kia, sau đó cậu ấy ngày càng ít đăng bài, cuối cùng không đăng nữa. Nhưng tôi biết, cậu ấy thật sự rất tuyệt.

Sau này có một mùa hè Trần Dịch Tấn đến tỉnh bên cạnh tổ chức concert, đồng nghiệp trong văn phòng tranh được 2 vé, hỏi tôi có muốn đi cùng hay không.

“Không cần đâu.” Tôi cười từ chối: “Tớ ít khi nghe anh ấy hát lắm.”

Hôm đó là ngày bố đi khám lại. Buổi tối tôi ăn khuya ở cửa bệnh viện, mở vòng bạn bè ra xem, concert của Trần Dịch Tấn chật kín người. Tôi yêu thích từng bài viết một, nhưng không mở ảnh hay video ra xem.

Đêm hôm ấy tôi mơ một giấc mơ.

Tôi mơ thấy ngày mình rời xa Hồng Kông, ngồi trên xe buýt đi từ trường học đến sân bay Hồng Kông, lúc con đường kết thúc vượt qua biển rộng cầu cao.

Tôi vẫn còn nhớ rõ, dưới ánh mặt trời trong suốt, như là nước mắt, lại giống như nụ cười của cậu ấy.

Tôi mơ thấy chàng trai của tôi, mơ thấy rất nhiều đêm khuya cậu ấy đưa tôi đi ăn hà phấn, còn có cả cá viên. Đứng trên cảng uống trà sữa, ngồi bên bếp ăn trứng chim, ngửi hương thơm của mỡ bò, cắn miếng nào miếng ấy giòn tan.

Ở trong mơ cậu ấy vươn tay về phía tôi: “Nếu đã đến Hồng Kông rồi thì đừng đi nữa.”

Rất may là bố tôi hồi phục rất nhanh, hai năm sau đã có thể ngồi xe lăn đi lại. Ông ấy trở nên rất gầy rất nhẹ, mẹ tôi thì nghỉ hưu, ngày ngày hai người họ đều ngồi bên cửa sổ đọc sách nói chuyện phiếm, tôi thật sự ước ao một cuộc sống như vậy. Có hôm bố gọi tôi đến, nghe nói vùng duyên hải có rất nhiều công ty tuyển người, con hãy đi đi. Tôi ghé đầu bên gối ông, ông nói, đời này là của con, nếu cứ tiếp tục nhìn con lãng phí thời gian như vậy bố sẽ áy náy đến chết.

Quê hương của tôi ở phương Bắc xa xôi, tôi đã ở đây vượt qua quãng thời gian tiểu học, sơ trung, trung học, đại học. Tất cả mọi người đều nghĩ vậy, ngay đến tôi cũng nghĩ thế, rằng mình sẽ ở đây sống qua một đời.

Bạn tôi nói: “Đầu bị cửa kẹp rồi à? Giá cả ở Thâm Quyến đắt đỏ thế nào cậu biết không?”

Ngày ấy tuyết rơi đầy trời, chưa đến năm giờ màn đêm đã buông xuống rồi.

Tôi nói: “Cậu biết không? Ở phương Nam nóng bức có một loài hoa tên là tam giác mai, đó là loài hoa tớ đẹp nhất tớ từng thấy.”

Tháng tư năm sau đang mùa hoa tam giác mai nở, tôi có được tin tức ở bến cảng Phúc Điền, xuất cảng ở Hồng Kông. Lúc phỏng vấn bên kia hỏi tôi, ước mơ của bạn là gì? Tôi thành thật trả lời, kiếm thật nhiều tiền, sau đó mở một cửa hàng tiện lợi hai mươi tư giờ không đóng cửa.

“Con gái không phải đều muốn mở một hiệu sách sao?”

“Trước kia tôi cũng muốn mở một hiệu sách.”

“Tại sao lại thay đổi ý muốn?”

Tôi cười trả lời: “Vì cửa hàng tiện lợi dễ kiếm tiền hơn.”

Tôi không biết tại sao mình lại được nhận, đi đến Thâm Quyến, thường thường hơn 10 giờ đêm mới tan tầm, tùy tiện mua đồ ăn ở cửa hàng tiện lợi Quang Đông, cuộc sống một mình không tốt cũng không tệ. Trước đây bạn cùng phòng của tôi ở Hồng Kông từng nhắn tin hỏi tôi muốn có muốn đến Hồng Kông chơi cùng cậu ấy không, tôi lề mề không trả lời lại.

Có hôm đi dạo phố với đồng nghiệp, đi qua Jo Malone thấy mấy cô gái đang thử nước hoa, không hiểu sao mình lại dừng lại. Rất nhiều năm trước đây, tôi ở trong phòng Trầm Nhạc Chi, cậu ấy đốt cho tôi một ngọn nến huân hương. Hóa ra nó tên là English Pear & Freesia, xuất xứ từ cây lê ở nước Anh. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy nó, nhưng bây giờ có còn tác dụng gì nữa đâu.

Cứ đến cuối tuần tôi sẽ đi ra bờ biển, không ngừng đi mãi, nhìn Hồng Kông ở rất xa rất xa, nhìn về nơi đó tâm trạng sẽ trở nên vô cùng vui vẻ, nhưng tôi biết, chỉ cần gần thêm chút nữa sẽ biến thành không vui.

Hồng Kông đã từng có Trầm Nhạc Chi, Hồng Kông đã không còn Trầm Nhạc Chi.

Thời điểm tam giác mai nở Hồng Kông chiếu một bộ phim điện ảnh. Đạo diễn là người mới, nghe nói bối cảnh trong nhà rất được, tất cả các minh tinh đỉnh lưu đều đăng bài tuyên truyền cho người đó. Có rất nhiều người giận dữ bất bình, nói rằng nhà mấy người nâng gà nhà lên.

Bộ phim có tên “Đảo vĩnh viễn”, nói về một cô gái ở đại lục đi theo cha mẹ nhập cư trái phép vào Hồng Kông, ở đâu đó quen được một thiếu gia trốn nhà đi. Cậu ấy dạy cô học tiếng Quảng, lái motor đưa cô lao như bay trên từng con đường góc phố. Sau này quay về Hồng Kông, cả nhà cô gái ấy đã trở lại đại lục. Mười sáu năm sau quay về Hồng Kông, chỉ còn thấy cậu thiếu gia từng vì cô mà đánh rất nhiều chìa khóa.

Trong bộ phim, nữ chính nói: “Kiếp sau tớ muốn làm một gốc cây thực vật, yên lặng hấp thụ ánh sáng mặt trời và những cơn mưa xối xả, cố gắng làm cho thế giới này trở nên đẹp đẽ hơn.”

Nam chính nói: “Cậu đã rất đẹp rồi.”

Tôi ngồi trong rạp chiếu phim chật kín người, nước mắt lặng lẽ rơi như mưa.

Tôi nhớ về mùa hè năm hai mươi tuổi, những tưởng mùa hè vĩnh viễn không bao giờ kết thúc, tôi và cậu ấy sóng vai đi trên Vượng Giác lúc đêm khuya. Tôi kể cho cậu ấy nghe những câu chuyện ngày bé, cậu ấy vươn tay dịu dàng xoa đầu tôi.

Đó là cậu thiếu niên đứng bên tôi cùng nhau ngắm vầng trăng sáng.

Đèn trong rạp chiếu phim vụt sáng, tôi mông lung trong dòng lệ tuôn, lại được nhìn thấy tên cậu ấy một lần nữa. Rất nhiều năm trước đây, tôi nói với cậu ấy: “’Chi bằng không gặp’ vẫn hay hơn.”

Cậu ấy trả lời, không chừng có một ngày cậu sẽ hiểu.

Tôi nhớ rõ khi ấy Trầm Nhạc Chi thỉnh thoảng sẽ hút thuốc, tôi không thích người khác hút thuốc, nhưng tôi thật sự thích nhìn cậu ấy hút thuốc. Tôi thích hết thảy hương vị trên người cậu ấy.

“Thơm vậy.” Tôi nói.

“Đây là thuốc vị bạc hà.” Cậu ấy cười: “Cậu có muốn thử không?”

Miệng cậu ấy ngậm điếu thuốc đi đến trước mặt tôi, như ẩn như hiện trong tầng ánh sáng, tôi chỉ nhìn vào đôi mắt của cậu ấy. Cậu ấy đưa ra trước mặt, tôi hút một hơi, vị bạc hà xông vào đầy phổi. Tôi khom người lớn tiếng ho khan, mặt mày đỏ bừng, bị sặc đến chảy cả nước mắt. Cậu ấy cười khanh khách vò rối mái tóc dài của tôi.

Rất nhiều năm sau này, có lúc rất nhớ rất nhớ cậu ấy, lúc không thể kìm chế nổi bản thân, tôi sẽ hút một điếu. Ở trong sương khói lượn lờ mới có thể quay về mùa hè năm ấy, mới có thể gặp lại chàng trai của tôi lần nữa. Cậu ấy vỡ vụn đứng trong làn khói như hư như thực, nhìn vào đôi mắt của tôi, mỉm cười nói “nhóc con”.

Trầm Nhạc Chi, cậu có biết không?

Thật ra tớ không muốn làm một đứa trẻ. Trẻ con rất tốt, rất dễ dàng vui vẻ, rất dễ dàng tin tưởng, cũng rất dễ dàng quên đi một người. Chỉ có nhóc con mới nói ra hai từ vĩnh viễn.

Tôi bỏ công việc hiện tại trở lại cố hương, dùng toàn bộ số tiền mình có mở một cửa hàng tiện lợi đặt tên là “Sandwich”, buôn bán suốt hai mươi tư giờ.

Tháng tư tới thật mau, hệ thống sưởi ở phương Bắc chưa từng tắt.

Có một đêm tôi một mình ở lại cửa hàng kiểm kê hàng hóa, có một con mèo đi lang thang đứng ở cửa, nhìn thấy miếng bánh Sandwich trong tay tôi liền kêu meo meo. Máy tính vẫn luôn phát bài hát của Trần Dịch Tấn: “Khuôn mặt tươi cười tôi muốn gặp chỉ còn là hoài niệm, bối rối không biết phải nói tiếp thế nào…”

Tôi ngẩn ngơ nhìn con mèo kia, nước mắt lại tuôn rơi.

Rất nhiều năm trước đây, ngày đầu tiên đến Hồng Kông bạn cùng phòng từng hỏi tôi: “Cậu ấy, một cái bằng sử học thôi, đến tận Hồng Kông làm gì?”

Tôi nghiêm túc trả lời: “Bởi vì tất cả những tháng ngày đó đều sáng rực rỡ, sau này chỉ còn có thể nhớ lại mà thôi.”

Năm tôi 20 tuổi trên mặt bị nổi mụn, trời sinh có làn da hơi ngăm, trên mặt có nét mũm mĩm giống trẻ con. Sau này thỉnh thoảng vẫn chạy bộ, nhưng ăn cũng nhiều nên không gầy đi được bay nhiêu.

Hồng Kông rất nhỏ, nhưng với tôi mà nói lại rất lớn. Tôi không dám đi một mình đến trung tâm thành phố.

Nơi đó người người tấp nập, ai nấy đều mang dáng vẻ vội vàng. Những cô gái cầm trên tay những thứ đồ tôi không rõ thương hiệu, có lẽ cả đời này tôi còn không mua nổi cái túi đựng chúng.

Nơi đó thấy được cảng biển rộng lớn, núi non chập chùng, xe thể thao xé rách màn đêm yên tĩnh. Từ phòng tôi đi xuống một đoạn có bức tường nở hoa tam giác mai, còn có cửa hàng tiện lợi hai mươi tư giờ mở cửa.

Nơi đó có mùa hè rất dài, tựa như vĩnh viễn không bao giờ kết thúc.

Tôi đã từng ở nơi đó, gặp được Trầm Nhạc Chi.

Nếu bạn thấy bài viết hữu ích đừng quên dành tặng tác giả 1 like nhé ^^!

Bài viết đã được bảo vệ bản quyền bởi:

Content Protection by DMCA.com
Group: Chia sẻ tin tức Weibo24h

Group chia sẻ tin tức Wibo24h

Admin: Trần Ngọc Duy

Trang Facebook của admin

Group: Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc

Group chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tự Apply học bổng Trung Quốc

© 版权声明
THE END
Hãy GỬI TẶNG tác giả 1 LIKE nếu bạn thấy thích bài viết này nhé ^^!
点赞0 分享
Bình luận 抢沙发
头像
Hoan nghênh bạn để lại 1 bình luận có giá trị!
提交
头像

昵称

取消
昵称表情代码图片

    暂无评论内容