[Zhihu] Quan điểm thế nào về câu nói “Tôi muốn chết nên tôi tự tử”?

1.

Có thể có người không muốn sống, nhưng không một ai muốn chết.

Một số người bị trầm cảm sau đó quyết định tự tử không khác gì chết vì bệnh nan y. Chỉ có điều bệnh nhân ung thư sẽ nói “Bác sĩ, xin hãy cứu tôi.”

Bệnh nhân trầm cảm sẽ nói: “Bác sĩ, tôi không muốn sống nữa.”

Nhìn qua thì là nói với hai thái độ hoàn toàn khác nhau, nhưng thật ra ở một góc độ nào đó thì 2 câu nói này có ý nghĩa tương đương nhau.

“Tôi không muốn chết, hãy cứu tôi.”

Một số người sẽ thắc mắc: Vì sao lại như vậy được? Bệnh nhân trầm cảm nói rằng không muốn sống nữa cơ mà. Tình trạng của bệnh nan y có thể hiểu là cơ thể con người bị tổn thương, nhưng trạng thái tinh thần thì lại ổn, nhưng cũng chỉ còn cách trơ mắt nhìn mình từ từ chết đi. Ngược lại, bệnh nhân trầm cảm lại bị tổn thương tinh thần. Có vẻ nhìn như không có bệnh gì, nhưng thực tế không làm được gì cả. Chẳng hạn, khi bị người khác xem là đồ bỏ đi, người khác cảm thấy mình là một đống phế thải, sống trong sự đổ lỗi và trách móc, chì chiết, bản thân dần cảm thấy vô tích sự đối với thế gian.

Vì vậy, có thể kết luận quá trình tử vong của bệnh nhân trầm cảm giống như khi bị chôn sống vậy. Khi còn sống, họ bị đưa vào quan tài, không khí dần bị hút cạn, không gian sống bị bóp nghẹt không ngừng, ngày càng khó chịu và cuối cùng không chịu đựng nổi, phải tự cắt đứt sinh mệnh trước khi thật sự chết đi.

Người bị trầm cảm nói: “Tôi không muốn sống nữa”, nghĩa là tôi đang bị đóng đinh trong quan tài, cảm thấy khó chịu khi cứ tiếp tục phải sống như thế này.

Mỗi lúc cậu ấy nói, cậu ấy muốn chết sớm, chẳng khác nào lại vừa đóng một cây đinh lên trên quan tài. Điều mà cậu ấy thực sự hy vọng là có một người có thể đào được cái quan tài ấy từ dưới đất lên, gỡ đinh xuống, mở quan tài và kéo cậu ra khỏi đó. Thực sự rất mong có ai đó cứu cậu ấy.

Tín hiệu mà cậu đưa ra có thể là: Tôi cảm thấy mình thực sự sắp không trụ được nữa rồi, tôi không muốn sống nữa. Âm thanh lớn chứng tỏ vẫn còn cứu được, nhưng nếu giọng nói ấy ngày càng nhỏ hơn thì thật sự sắp không còn cứu vãn được nữa rồi. Đó không phải là giả tạo, giả vờ đâu. Đây là chứng rối loạn nội tiết trong cơ thể con người, như một dạng cảm lạnh về tâm sinh lý. Một số người có sức đề kháng tốt, bị cảm lạnh nhưng sau đó qua khỏi, có người sức đề kháng kém hơn có thể bị cảm lạnh lại nhiều lần gây ra cơn sốt cao.

Hy vọng mọi người hãy nhìn thẳng vào những người đang có ý định tự tử. Ngay cả khi bạn chỉ đi ngang qua đời họ, nếu không thể giúp gì thì xin đừng đóng thêm một chiếc đinh vào quan tài của họ. Suy cho cùng, con người ta chỉ có ích khi sống mà thôi.

2.

Chiều nay, tôi gội sạch đầu, trang điểm khá nhẹ nhàng, mặc chiếc váy mà tôi yêu thích nhất, nói lời chào tạm biệt bạn cùng phòng, đóng cửa lại. Một mình trên sân thượng trường học suốt nửa tiếng đồng hồ.

Mặt trời ở Côn Minh giống như một con dao găm phiêu bạt khắp nơi, nó thậm chí bén lửa, gần như đốt cháy người tôi. Tai tôi đeo tai nghe, lẩm nhẩm hát theo điệu nhạc, đó là một bài hát của Nga, là một bài hát mà tôi còn chẳng thể hiểu được ý nghĩa câu từ. Chỉ cần bước thêm 20cm nữa thôi, tôi sẽ được giải thoát hoàn toàn. Tôi đứng đó, cảm thấy bản thân vô cùng bình thản. Tôi cứ tự hỏi mình, sẽ đau thế nào đây…

Từ tầng 5 nhảy xuống, như một con chim lìa mất đôi cánh, tiếng kêu giòn tan vang lên cũng là dấu chấm hết của cuộc đời. Quả là một kết cục đáng mơ ước. Cái chết đối với tôi chính là một chiếc bánh kem ngọt ngào.

20cm nữa thôi, nó chỉ cách tôi 20cm nữa thôi…

Tôi đã cố gắng rất nhiều, nhưng không làm cách nào vui vẻ được. Ở thế giới này tôi thật buồn.

Mà thôi, quên chuyện đó đi, nỗi ám ảnh làm tôi đứng ở đó không biết đã bao lâu, đột nhiên trong đầu chợt lóe lên khuôn mặt của bố. Vừa hôm trước, ông ấy lại nhận được tiền giả, không nhớ được đây là lần thứ bao nhiêu rồi. Một ngày thu lợi nhuận chẳng được bao nhiêu, có khi còn bị lỗ vì tiền giả. Tôi đã nhắc ông mua một cái máy kiểm tra tiền rồi, nhưng ông luôn cười và nói “Tất cả đều là người quen, chắc chắn là họ không cẩn thận bỏ nhầm vào đó thôi.”

Cứ nghĩ tới, người đàn ông tốt bụng như vậy không còn tôi nữa thì cuộc sống sau này sẽ phải khó khăn như thế nào? Phải chăng sẽ uống rượu quá mức rồi cuối cùng phải vào viện dưỡng lão khi tình người lạnh nhạt? Có khi nào đến tuổi già vẫn phải ở trên đường kiếm tiền với khuôn mặt tươi cười không?

Đột nhiên những câu hỏi ấy như nuốt chửng tôi. Đột nhiên muốn gọi cho bố, chỉ muốn nghe giọng nói của bố một lần cuối cùng. Máy đã thông, bố nói: “Sao con lại gọi cho bố giờ này, có phải không đủ tiền trang trải cuộc sống không?”

“Không đâu, chỉ là con rất nhớ bố.”

“Bố cũng nhớ con.”

Sau khi cúp máy, tôi cuộn tròn người trong một góc, khóc rất lâu, rất lâu. Tôi khóc đến khàn giọng, khóc đến tê tâm liệt phế, tất cả chỉ toàn là nước mắt. Khóc đủ rồi, tôi đứng lên nhặt khăn giấy xung quanh chỗ ngồi và ném chúng vào thùng rác bên cạnh, thản nhiên xoa mặt, vuốt lại tóc, xuống tầng quay trở về ký túc xá.

“Cậu đi đâu thế?” Bạn cùng phòng nhìn thấy tôi bước vào, bâng quơ hỏi.

“Ăn cơm.” Tôi cũng trả lời qua loa cho xong chuyện.

Bố, con xin lỗi.

Con là đứa con bất hiếu.

Xin lỗi bố. Con yêu bố.

Con yêu bố, yêu nhiều lắm.

3.

Đây là một câu nói hay. Tôi có một người anh em tốt, tôi chỉ biết rằng cậu ấy phải chịu nhiều áp lực trong một khoảng thời gian. Sau đó cậu ấy đã cố gắng tự tử nhưng may mắn được cứu sống. Đau đớn thay, xung quanh lại xuất hiện nhiều câu nói như:

“Nếu nó thực sự muốn tự tử đã thành công từ lâu rồi.”

“Nó mà thực sự muốn tự tử, cậu nghĩ người khác có thể cứu được à?”

“Tôi mà muốn tự tử thì sẽ lặng lẽ không cho ai biết.”

Sau những lời tàn nhẫn ấy, cậu ấy đã tự tử và lần này đã thành công, âm thầm, sạch sẽ, không ai biết!

Tôi đã đi tìm những người nói những lời kia, tôi hỏi họ: “Cậu ấy đã thành công, các người đã vừa lòng chưa?” Tôi kinh tởm đến mức chẳng muốn dính líu gì đến chúng nó nữa, phải, là “chúng nó”.

4.

Tôi có để ý đến một người quen, không muốn để cho cậu ấy biết, vì vậy tôi sẽ dùng tài khoản ẩn danh. Về chuyện tự tử này, tôi nghĩ không phải ai cũng nghĩ nó khủng khiếp như vậy. Tự tử thực sự được chia làm hai trạng thái: không muốn sống và muốn chết.

Loại thứ nhất: không muốn sống.

Không muốn sống không có nghĩa là muốn chết! Không muốn sống chỉ là mất đi sự dũng cảm để bước đi trong cuộc sống, vì vậy mà chờ đợi chết đi. Không làm những việc quá khích, thay vào đó, người này có vẻ bình thản, đối xử với người khác ngày càng nhẹ nhàng, chu đáo, nhẹ nhàng như thể cả một con người chỉ đơn giản là mệt mỏi và không muốn làm gì. Có vẻ như đó là tình trạng khó xử lúc mới tiếp xúc. Tuy nhiên, không phải vậy đâu! Không phải! Cậu ấy đang cảm thấy tuyệt vọng nhưng lại không muốn biểu hiệu ra cho mọi người thấy.

“Mọi người vui vẻ với tôi như vậy là được rồi, đừng làm phiền tôi. Cứ để tôi đợi như thế này. Khi nào “tai nạn” xảy ra thì tôi chết, thế là được giải thoát.”

Loại thứ hai: Muốn chết.

Người thực sự muốn chết sẽ không bao giờ nói với bạn là cậu ấy muốn chết! Hãy nhớ câu này! Họ sẽ không nói với bạn là họ muốn chết! Nếu cậu ấy nói với bạn rằng cậu ấy muốn chết, xin bạn hãy cứu cậu ấy! Đừng bỏ cuộc! Tuy nhiên, giai đoạn này cậu ấy sẽ không thẳng ra là muốn chết, mà sẽ kêu cứu một cách tế nhị hơn.

Chẳng hạn, cậu ấy có thể tự nhiên nói với bạn rằng “Cậu có thể giúp tôi chăm sóc mèo con nhà tôi một thời gian được không? Gần đây tôi phải đi khỏi nhà. Nếu sau một thời gian không thấy tôi trở về, xin hãy giúp tôi tìm một người nào đó nuôi nó, cảm ơn.”

Thời điểm này bạn đừng hỏi! Đừng bao giờ hỏi! Vì thời điểm này cậu ấy đã ở trong tình trạng muốn chết, bạn đuổi theo cậu ấy và hỏi thì cậu ấy cũng không thay đổi quyết định đâu. Thay vào đó phải để ý kĩ đến cậu ấy, nhất định phải đi tìm những thứ có thể chạm đến tâm cậu ấy để níu giữ cậu ấy lại. Bởi vì giai đoạn này, cậu ấy sẽ sắp xếp chu toàn cuộc sống của mình để chết. Xin bạn hãy giữ cậu ấy lại và cứu lấy cậu ấy.

Đừng nói chuyện quá nghiêm túc! Nhắc lại, đừng nói chuyện nghiêm túc! Cậu ấy biết mọi thứ đấy, nhưng cậu ấy đã cố làm mọi cách mà vẫn không thể thoát ra được. Bạn không thể làm tổn thương cậu ấy, đừng có nói chuyện tâm sự về cái chết, bạn không hiểu được cậu ấy đâu! Đưa cậu ấy đi làm những việc mà cậu ấy thích, đừng để cậu ấy ở nhà một mình và im lặng! Hãy tìm đủ mọi thứ có thể làm tâm trạng cậu ấy chuyển biến tốt lên, qua một thời gian sẽ tốt hơn rất nhiều.

Nếu không may mà bạn không giữ được cậu ấy, cậu ấy đã tự tử, tuy nhiên không thành công, nhất định không được hỏi cậu ấy nghĩ gì. Tại sao? Đừng đi tìm nguyên nhân, ít nhất là trong một tháng. Vì trong thời gian này, cậu ấy đang phải đấu tranh với chính mình, cậu ấy sẽ tự hỏi: Sao mình lại ngu ngốc đến mức tự tử không thành công thế này? Thời điểm này, xin đừng hỏi, hãy im lặng! Im lặng! Im lặng đi!

Nhưng thay vì truy hỏi, bạn có thể kể cho cậu ấy nghe về những điều thú vị và ấm áp trong cuộc sống, những bộ phim mới được công chiếu gần đây bạn đã xem, chỉ cần đừng nhắc đến chuyện kia. Bạn phải tin rằng chính cậu ấy sẽ nói, cuối cùng cậu ấy sẽ tự mình nói ra. Bạn hãy cho cậu ấy cảm giác tin tưởng, vì nhu cầu của cậu ấy không phải là một người luôn đi tìm những lý do, điều cậu ấy thật sự cần là sự ấm áp nhỏ bé của thế gian này. Hỏi quá nóng vội sẽ dễ khiến cậu ấy cảm thấy áp lực, dễ dàng gợi lên thôi thúc tự tử lần thứ hai! Đừng hy vọng những quan điểm của bạn sẽ kích thích ham muốn sống của cậu ấy, mà chỉ khiến cho cảm xúc của cậu ấy tồi tệ hơn. Lời kêu cứu sau khi tự tử chỉ là bản năng chứ không phải là điều anh ấy muốn. Đối với cậu ấy đó là sự nhục nhã, chứ không phải là may mắn!

Nếu bạn thấy bài viết hữu ích đừng quên dành tặng tác giả 1 like nhé ^^!

Bài viết đã được bảo vệ bản quyền bởi:

Content Protection by DMCA.com
Group: Chia sẻ tin tức Weibo24h

Group chia sẻ tin tức Wibo24h

Admin: Trần Ngọc Duy

Trang Facebook của admin

Group: Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc

Group chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tự Apply học bổng Trung Quốc

© 版权声明
THE END
Hãy GỬI TẶNG tác giả 1 LIKE nếu bạn thấy thích bài viết này nhé ^^!
点赞0 分享
Bình luận 抢沙发
头像
Hoan nghênh bạn để lại 1 bình luận có giá trị!
提交
头像

昵称

取消
昵称表情代码图片

    暂无评论内容