Người Đua Diều – Tội Lỗi, Day Dứt Và Đau Đớn

1. Thông tin về cuốn sách:

– Tác phẩm: Người Đua Diều

– Tác giả: Khaled Hossein

– Ấn phẩm tiếng Việt dịch bởi Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam, ra mắt lần đầu vào năm 2007

– Người dịch: Nguyễn Bản

– Kích thước: 14 x 20.5 cm

– Số trang: 460

2. Người Đua Diều – Tội Lỗi, Day Dứt Và Đau Đớn

Mình đến với Người Đua Diều vào một buổi chiều mưa rả rích và kết thúc cuốn sách với một sự day dứt không nguôi, một cảm giác buồn đến khó tả. 

Người Đua Diều được viết bởi Khaled Hosseini, một tiểu thuyết gia, dược sĩ người Hoa Kỳ. Trong các tác phẩm của mình, ông thường lấy bối cảnh về Afghanistan, quê hương của ông, một đất nước đầy đau thương vì chiến tranh nhưng tràn đầy khát vọng hòa bình.

Người Đua Diều mở đầu về một tình bạn giữa Amir và Hassan, một người là cậu chủ sống trong nhung lụa, giàu có của người bố, được cắp sách đến trường, người kia là con của kẻ làm thuê, không biết chữ và luôn bị những đứa trẻ cùng lứa khinh thường. Điểm chung giữa hai cậu bé ấy là đều thiếu vắng tình yêu thương của mẹ từ khi lọt lòng, cùng bú chung bầu sữa của một bà vú. Thời gian trôi đã bồi đắp nên một tình bạn, tình anh em gắn kết giữa Amir và Hassan. Nhưng cuộc sống không có gì là mãi mãi, tình bạn giữa Amir và Hassan cũng vậy. Vì sự ích kỷ, nhát gan, Amir đã không dám tiến lên và bỏ mặc Hassan bị bắt nạt, xâm hại. Sai lầm nối tiếp sai lầm, Amir tiếp tục là nguyên nhân đẩy Hassan ra đi rời khỏi nhà. Nửa sau của cuốn sách là hành trình chuộc lại lỗi lầm của Amir, khi giờ đây cậu đã là người đàn ông trưởng thành.

Qua lời kể của Amir, Hassan hiện lên với một tâm hồn ngây thơ nhưng vô cùng chân thành. Hassan thích cười và luôn sẵn sàng lắng nghe những câu chuyện do Amir viết. Đối với Hassan, dường như Amir không chỉ là bạn mà còn là tín ngưỡng. Ngay cả khi biết người mà mình luôn hết lòng tin tưởng quay lưng, Hassan vẫn không hề buông một lời oán thán, thẳm sâu trong tâm niệm dù là một đứa trẻ hay khi trưởng thành, Hassan vẫn trước sau như một yêu quý người bạn này. Trái ngược với Hassan, và có lẽ, giống như chúng ta, Amir không có một tâm hồn cao thượng, thánh thiện đến hết lòng. Amir là một cậu bé có đố kỵ, có ích kỉ. Sự khác biệt giữa thân phận chủ – tớ, tình yêu thương đặc biệt mà bố dành cho Hassan… tất cả đã hình thành nên một hàng rào vô hình giữa tình bạn giữa cậu và Hassan, và cũng là nguồn cơn dẫn đến bi kịch sau này. Vậy Amir có đáng ghét không? Mình nghĩ là không. Dù là hàng chục năm sau, thời gian vẫn không làm nguôi ngoai cảm giác tội lỗi trong lòng Amir, và rồi khi Amir lựa chọn quay trở về Afghanistan để tìm lại Hassan, gặp rất nhiều khó khăn nhưng Amir vẫn không từ bỏ. Amir của lúc này, dường như đã chân chính trở thành một người “đua diều”, người bạn chân thành thực sự.

“Vì cậu, cả ngàn lần rồi.”

Không chỉ là tình bạn, bài học về làm người cũng là một vấn đề xuyên suốt trong Người Đua Diều. Như người bố đã nói với Amir, không có tội lỗi nào xấu xa hơn ăn cắp. Khi giết một người, nói dối hay lừa bịp, chúng ta đều đang ăn cắp một thứ gì của ai đó và lấy chúng đi. Có thể với chúng ta, thứ ăn cắp được ấy cũng chẳng có lợi ích gì cả, nhưng đối với người khác, đó là hạnh phúc, là niềm vui, và đôi khi là cả một cuộc đời. Nhưng quan trọng hơn, khi ta ăn cắp, liệu ta có đủ dũng cảm để nhận và chuộc lỗi cho hành động của mình, đủ dũng cảm để đối mặt với sự lựa chọn của mình?

Đọc Người Đua Diều, thấp thoáng lên đâu đó là một Afghanistan đậm sự kỳ thị chủng tộc hà khắc giữa người với người. Như Hassan, chỉ vì cậu mang trong mình dòng máu Hazara mà bị coi không khác gì con súc vật, tuổi thơ luôn tràn ngập sự khinh thường của chúng bạn. Người Đua Diều còn là một bức tranh toàn cảnh về Afghanistan, từ một vùng đất xinh đẹp và giàu có, hạnh phúc biết bao tới ngày chiến tranh xảy ra, Afghanistan giờ đây chỉ còn lại mùi vị của sự chết chóc, tang thương và nghèo khó. Chiến tranh phi nghĩa, sự tranh chấp quyền lực đổi lấy máu, nước mắt của bao người dân vô tội, khiến bao gia đình kẻ còn người chết, lâm vào cảnh nước mất nhà tan…

Với ngòi bút tài tình cùng giọng văn nhẹ nhàng mà sâu lắng, Khaled Hossein đã xuất sắc vẽ nên Người Đua Diều, một áng văn đẹp, buồn và đầy thổn thức. Tận dụng mọi chi tiết, không có sự xuất hiện dư thừa của một nhân vật, Khaled Hossein thực sự đã đưa đến cho người đọc một Người Đua Diều tuyệt vời nhất, khéo léo phơi bày những góc khuất, bóng đen trong tâm hồn chúng ta, những mặt tối vẫn đang tồn tại trong xã hội.

“Một câu chuyện làm cảm động trái tim về một tình bạn khác thường. Đó cũng là một tác phẩm thuyết phục kì lạ, về mối quan hệ mong manh giữa cha và con, giữa con người và thần thánh, giữa cá nhân và đất nước.” – The Denver post

© 版权声明
THE END
Hãy GỬI TẶNG tác giả 1 LIKE nếu bạn thấy thích bài viết này nhé ^^!
点赞0 分享
Bình luận 抢沙发
头像
Hoan nghênh bạn để lại 1 bình luận có giá trị!
提交
头像

昵称

取消
昵称表情代码图片

    暂无评论内容