Học thành ngữ bình “Ma đạo”

狡兔死、走狗烹 ;飞鸟尽、良弓藏。

jiǎotù sǐ, zǒugǒu pēng, fēiniǎo jìn, liánggōng cáng

Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh, phi điểu tận, lương cung tàng

*Giải thích từ vựng:

狡兔死 giảo thố tử
Giảo: giảo hoạt; Thố: con thỏ; Tử: chết
走狗烹 tẩu cẩu phanh
Tẩu cẩu: chó săn; Phanh: đun, nấu
飞鸟尽 phi điểu tận
Phi điểu: chim bay; Tận: hết, không còn
良弓藏 lương cung tàng
Lương: tốt, giỏi
Cung: cung tiễn, cung tên
Tàng: cất đi, giấu đi

*Giải nghĩa thành ngữ:

  • Dịch nghĩa đen: Con thỏ giảo hoạt chết rồi, thì con chó săn không còn giá trị sử dụng nữa liền bị đem đi nấu chín, bầy chim nhốn nháo đã bay đi hết cả, thì cung tiễn có tốt đến mấy cũng phải cất vào.
  • Hàm nghĩa: Công thần góp sức tiêu diệt kẻ địch gian ác đến cuối cùng chưa chắc được trân trọng được hậu đãi mà có nguy cơ bị trừ khử bị giết hại, người tài giỏi đến cách mấy sau khi loạn lạc qua đi rồi thì cũng phải biết thu liễm ẩn mình để tự bảo vệ bản thân.

*Điển tích điển cố:

Trong “Sử ký Việt thế gia” kể rằng, trước khi Phạm Lãi trốn đi ở ẩn, đã gửi một bức thư cho tể tướng Văn Chủng của nước Việt, cũng là người bạn thân thiết của Phạm Lãi, trong thư viết:

“Phi điểu tận, lương cung tàng. Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh. Việt vương vi nhân trường cảnh điểu uế, khả dữ cộng hoạn nạn, bất khả dữ cộng lạc. Tử hà bất khứ?”
( Chim bay mất hết, cung tốt được cất đi. Thỏ khôn chết, chó săn bị nấu. Việt vương là người cao cổ, miệng chim, chỉ có chung hoạn nạn mà không thể chung vui. Thầy sao còn chưa lui về? )

Phạm Lãi là quân sư mưu thần có công lớn trong sự kiện nước Việt đánh bại nước Ngô. Trong đó có một điển tích vô cùng nổi tiếng là Phạm Lãi đã hiến kế cho Việt vương Câu Tiễn cống tiễn đệ nhất mỹ nhân thời bấy giờ của nước Việt là Tây Thi cho Ngô vương Phù Sai, khiến cho Ngô vương mê đắm Tây Thi, hoang dâm vô độ, tiêu xài xa xỉ, bỏ bê triều chính, giết hại trung thần, dẫn đến nước mất nhà tan.

Sau khi nước Việt thắng trận, Phạm Lãi thức thời biết rút lui đúng lúc, thu xếp nhanh chóng bỏ đi ở ẩn chứ không ở lại triều làm quan, trước khi đi ông viết thư cáo biệt và khuyên nhủ bạn thân Văn Chủng. Sau đó đúng như dự đoán của Phạm Lãi, Việt vương Câu Tiễn ban chết cho Văn Chủng.

Cũng từ đó mà có thành ngữ “Thố tử cẩu phanh”, dùng để ám chỉ thói đời đen bạc, lấy oán trả ân, các vị vua hung bạo bất nhân, khi đã lập quốc thành công rồi thì trở mặt giết hại các vị công thần. Cũng nhân đó mà khuyên răn con người ta nên có tuệ nhãn thức thời, biết tiến biết lui đúng lúc, không nên tham lam hay luyến tiếc, biết đủ mới được bình an.

Tại sao mình lại chọn câu thành ngữ này để viết bài?

Nó có liên quan gì đến chủ đề tác phẩm “Ma đạo tổ sư”?

Mình biết câu thành ngữ này khi xem video phân tích nhân vật Ngụy Vô Tiện của bạn Youtuber 杨初九 Dương Sơ Cửu. Nhân đây xin phép nhiệt liệt đề cử kênh của bạn này, văn án viết cực kỳ cực kỳ hay, bởi vì bạn ấy học chuyên ngành tâm lý học, chữ nghĩa câu từ đúng kiểu dân chuyên văn, dẫn chuyện hấp dẫn lý luận mạch lạc tầm mắt bao quát góc nhìn độc đáo, viết phân tích nhân vật mà xem lần nào cũng cảm động rơi nước mắt.

Trở lại câu thành ngữ này, nó xuất hiện khi bạn Cửu phân tích “nguyên nhân tại sao ở tiền kiếp Ngụy Vô Tiện lại có kết cục thê thảm đến như vậy?”

Từ lúc Ngụy Vô Tiện tu quỷ đạo, luyện ra Âm hổ phù, số trời đã định hắn sẽ có kết cục như thế. Hắn không cần phạm phải bất cứ sai lầm gì, cũng không cần làm ra việc thương thiên hại lý nào cả, luôn luôn có người sẽ dựng chuyện tạo cớ để dìm hắn xuống. Tại sao cùng là thiên tài kỳ tài trong tu luyện quỷ đạo, Tiết Dương lại được Lan Lăng Kim thị bảo vệ chặt chẽ, còn Ngụy Vô Tiện lại bị đặt bẫy hãm hại hết lần này đến lần khác?

Ngụy Vô Tiện là đại đệ tử của Vân Mộng Giang thị, là thủ túc tình thâm là huynh đệ chí cốt là trợ thủ đắc lực của Giang Trừng. Cô Tô có song bích, Vân Mộng có song kiệt. Ngụy Vô Tiện vĩnh viễn là người của Giang gia, hắn không thể nào và không bao giờ chuyển hướng sang phò tá Lan Lăng Kim thị lên ngôi tiên đốc, còn Ngụy Vô Tiện ở đó, Giang gia vẫn còn là uy hiếp là đối thủ của Lan Lăng Kim thị. Cho dù sau này Ngụy Vô Tiện đã rời khỏi Giang gia tự lập môn hộ ở Di lăng, thì hắn vẫn luôn luôn là cái gai trong mắt Lan Lăng Kim thị. Hãy nhìn xem trong tay hắn nắm giữ vật gì? Âm hổ phù!!! Sáo quỷ Trần Tình cất lên, tẩu thi nào dám không nghe lệnh. Năng lực phi phàm như thế làm sao có thể là sở hữu độc quyền của Giang gia? Cho nên Ngụy Vô Tiện càng lợi hại, thì người nhìn hắn chướng mắt đỏ mắt càng nhiều, người muốn hắn chết lại càng không thiếu.

Cái sai của Ngụy Vô Tiện từ đầu chí cuối không phải ở việc hắn tu quỷ đạo, cũng không phải việc hắn thu nhận bảo hộ tàn dư của Ôn gia, mà là ở chỗ HẮN KHÔNG CHỊU SỰ KHỐNG CH, tức là hắn không chịu sự quản thúc của bất cứ một gia tộc gia chủ nào trong bách gia tiên môn. Từ cổ chí kim, các bậc đế vương tuyệt đối không để cho những nhân vật như thế này tồn tại. Dưới vòm trời này, há có thể dung thứ cho một kẻ duy ngã độc tôn như vậy? Ngươi tài năng xuất chúng, nhưng ngươi không biết nghe lời. Thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết. Quy hàng, hoặc là bị thanh trừ.

Cho nên kết cục thực ra đã sớm được an bài. Sau khi Kỳ Sơn Ôn thị bị lật đổ, tuy rằng Ngụy Vô Tiện được xem là người có công lớn, nhưng gia tộc tự xưng mình là đế vương lúc bấy giờ, Lan Lăng Kim thị, tất nhiên sẽ không để yên cho Ngụy Vô Tiện. Lam Trạm có mắt nhìn xa trông rộng, sớm đã ý thức được nguy cơ này, nên Lam Trạm muốn đem hắn về Vân Thâm Bất Tri Xứ để giấu đi. Giang Trừng cũng cố gắng hết mình để bảo vệ hắn, nhưng rốt cuộc vẫn là không thể bảo vệ được.

Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh, phi điểu tận, lương cung tàng.

Từ xưa đến nay, vốn lẽ tất nhiên.

 

*Giới thiệu sơ lược tác phẩm “Ma đạo tổ sư”:

“Ma đạo tổ sư” là trường biên tiểu thuyết đam mỹ của tác giả Mặc Hương Đồng Khứu.

Ngày 31/10/2015, lần đầu tiên được đăng tải trên diễn đàn văn học Tấn Giang. Ngày 1/3/2016, chính văn hoàn. Ngày 7/9/2016 bản chỉnh sửa hoàn thành (gồm chính văn, 3 phiên ngoại), bản nguyên tác đăng tải trên mạng chính thức hoàn thành. Ngày 1/1/2018, cập nhật 4 phiên ngoại. Tháng 12/2016, bản sách chữ phồn thể đã được công ty Hân Xán Liên Đài Loan mua bản quyền và xuất bản. Tháng 11/2018, bản sách chữ giản thể được nhà xuất bản Văn Nghệ Tứ Xuyên mua bản quyền và phát hành tại Trung Quốc đại lục, chỉ gồm một quyển thượng “Vô Ky”. Từ năm 2018 đến nay, “Ma đạo tổ sư” đã được mua bản quyền xuất bản sách dịch ra các thứ tiếng như: Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Nga, v…v…

Ngày 1/6/2018, kịch truyền thanh “Ma đạo tổ sư” chính thức lên sóng, đơn vị phát hành MaoErFM. Đến nay phiên bản tiếng Trung đã hoàn thành. Phiên bản tiếng Nhật vẫn đang phát sóng.

Ngày 9/7/2018, phim hoạt hình “Ma đạo tổ sư” được cải biên từ nguyên tác cùng tên được ra mắt bởi đơn vị sản xuất Đằng Tấn Tencent. Sau 4 năm lên sóng, “Ma đạo tổ sư” phiên bản hoạt hình vừa kết thúc phần 3 cũng là phần cuối vào ngày 16/10/2021.

Ngày 27/6/2019, Đằng Tấn tiếp tục ra mắt phim truyền hình “Trần Tình Lệnh” được cải biên từ nguyên tác “Ma đạo tổ sư”.

“Ma đạo tổ sư” là câu chuyện về tu chân giới, về thế giới huyền huyễn trong tưởng tượng, nhưng nó cũng đại diện sống động cho những con người ở các tầng lớp xã hội trong hiện thực và muôn hình vạn trạng các mối quan hệ phức tạp của muôn kiếp nhân sinh.

Đây là một câu chuyện về chính nghĩa, cũng là một câu chuyện về tình thân.

Ân oán giang hồ, đen trắng không phân, miệng đời độc địa, phán xét không ngừng, nhưng trên đời vẫn còn đó một tấm lòng son, nguyện một đời diệt ác trừ gian, phù trợ kẻ yếu, không thẹn với lòng.

Nguồn: wikipedia, baikebaidu, Youtuber 杨初九  LINK

Bài viết và lược dịch bởi 珍珍妮子

@jw88.zhenzhennizi

© 版权声明
THE END
Hãy GỬI TẶNG tác giả 1 LIKE nếu bạn thấy thích bài viết này nhé ^^!
点赞0 分享
Bình luận 抢沙发
头像
Hoan nghênh bạn để lại 1 bình luận có giá trị!
提交
头像

昵称

取消
昵称表情代码图片

    暂无评论内容