14 hiệu ứng tâm lý
ảnh hưởng cuộc sống của bạn
1) Hiệu ứng ngựa hoang
Loài dơi hút máu sẽ hút máu con ngựa hoang để làm thức ăn, nhưng lượng máu mà con dơi hút đi thực chất rất nhỏ, không đủ để khiến con ngựa hoang phải chết. Nguyên nhân cái chết của con ngựa hoang chính là cuồng nộ, phóng nhanh và giận dữ.
Vì những chuyện nhỏ nhặt như hạt mè hạt đậu mà kích động đến tâm can bốc hỏa, cũng chính là bởi vì sai lầm của người khác mà tổn thương chính mình. Có nhiều lúc, chúng ta cần phải suy nghĩ rõ ràng rằng rốt cuộc vì điều gì mà ta phải tức giận và lo lắng đến như vậy?
2) Hiệu ứng đèn tụ quang
Có đôi khi chúng ta thường hay vô ý làm lớn chuyện khi gặp phải một vấn đề nào đó. Ví dụ khi chúng ta gây ra chuyện gì mất mặt thì thường hay nhầm tưởng là người khác sẽ chú ý tới mình. Thực tế có thể ngay lúc ấy người khác có chú ý tới thật đấy, nhưng sự việc qua đi rồi thì liền nhanh chóng lãng quên ngay.
Chẳng có ai để ý tới bản thân mình nhiều bằng chính mình cả. “Hiệu ứng đèn tụ quang” thực tế chỉ tồn tại trong đầu óc chính chúng ta mà thôi, chứ chẳng hề phản ánh tình trạng trong thực tại. Hãy thử di dời sự chú ý của bản thân đi nơi khác, có lẽ bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
3) Hiệu ứng sâu róm
Thử lấy đầu và đuôi của một con sâu róm nối liền lại với nhau thành một vòng tròn rồi đặt lên bên rìa một chậu hoa, ở cách nơi không xa chậu hoa đó rải một ít lá thông. Con sâu róm này cứ ngày nối liền đêm miệt mài mà bò vòng quanh cái chậu hoa đó, cuối cùng bởi vì đói khát mà kiệt sức rồi chết đi.
Khi chúng ta gặp phải khó khăn hoặc trở ngại tạm thời trong công việc hay cuộc sống, chúng ta đáng lẽ phải nên nỗ lực tìm đường vùng dậy đột phá, tuyệt không thể nằm mãi trong lối mòn, chỉ chú ý tới việc chúng ta đã làm được số lượng bao nhiêu công việc mà không quan tâm chúng ta đã làm nên thành quả thế nào, hay nói cách khác phải coi trọng “hiệu suất”.
4) Hiệu ứng Matthew
(Gospel of Matthew, kinh Tân ước của Cơ đốc giáo)
Chỉ hiện tượng kẻ mạnh càng mạnh, kẻ yếu càng yếu. Trong “Gospel of Matthew” có viết: “Phàm là thứ gì ta đã có rồi thì lại có thêm nhiều đến dư thừa, mà ta đã không có rồi thì lại càng bị tước đoạt đi hết tất thảy.”
Nếu ta bảo đảm duy trì ưu thế của mình trong một lĩnh vực nào đó đến mức không thể thay thế được, thì có thể khiến cho phần lớn các nguồn lực có lợi tập trung hết về phía mình.
5) Hiệu ứng bánh răng
Để có thể làm cho chiếc bánh răng nằm im lìm cử động, lúc ban đầu ta có thể bắt buộc phải dùng sức lực rất lớn thì mới khiến bánh răng di chuyển được. Thế nhưng bánh răng sẽ chuyển động càng lúc càng nhanh, đến một lúc nào đó đạt đến thời điểm cần thiết, ta sẽ không cần phải ra sức thật mạnh mẽ nữa mà bánh răng vẫn sẽ chuyển động nhanh chóng, hơn nữa nó sẽ luôn chuyển động không ngừng nghỉ.
Đôi khi ta cảm thấy có thể làm được một việc thật sự bắt đầu rất khó khăn, nhưng chỉ cần kiên trì một chút nữa, đến một điểm giới hạn nào đó, mọi việc rồi sẽ trở nên thật nhẹ nhõm thôi.
6) Hiệu ứng nho chua
Trong câu chuyện ngụ ngôn ‘Con cáo và chùm nho”, con cáo không có được chùm nho, nên nó mới bảo nho chua ăn không ngon, để có thể cân bằng tâm trạng của chính mình.
Con người ta cũng hay lấy những “lý do” mà bản thân có thể chấp nhận được để an ủi chính mình, mục đích để tránh sự tổn thương về mặt tâm lý.
Tâm lý phòng vệ quả thật có công dụng khiến chúng ta có thể giúp đỡ chính mình thích ứng nhanh chóng hơn với biến đổi cuộc sống. Thế nhưng, nếu như quá mức chìm đắm vào tâm lý “tìm lý do” thì cũng không hề tốt, nó có thể mang đến một số tác dụng phụ rõ rệt đối với cuộc sống của chúng ta.
7) Hiệu ứng Veblen
Nhà kinh tế học người Mỹ Veblen phát biểu: giá cả mặt hàng được định mức càng cao thì lại càng thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng, giá cả mặt hàng càng cao thì ngược lại càng khiến người tiêu dùng có khuynh hướng muốn mua món hàng ấy.
Con người cũng giống như vậy, muốn có được một cái mác “hàng mắc tiền” thì phải rèn luyện gọt giũa làm sao cho bản thân mình “được giá”, để được đặt tại nơi cao cấp, chờ được một mức giá tốt rồi mới bán ra. Trong công việc hay trong cuộc sống, đều như thế cả.
8) Hiệu ứng kẹo ngọt
Các nhà tâm lý học từng làm một cuộc trắc nghiệm xem xem một nhóm bé gái 4 tuổi có thể kiên trì trong vòng 20 phút không đụng đến những viên kẹo ngọt bày sẵn hay không.
Trải qua 12 năm theo dõi quan sát, những đứa trẻ có hành động không giống nhau trong cuộc trắc nghiệm, sau khi trưởng thành cũng sẽ khác nhau về cá tính. Những đứa trẻ vượt qua cuộc trắc nghiệm thể hiện sự tự khống chế, phán đoán, tự tin từ bé, và điều đó dự đoán được đúng cá tính của các bé đến lúc trưởng thành.
Phải học cách khống chế bản thân trước cám dỗ, không bị lợi ích trước mắt mê hoặc. Chớ nên chờ mong năng lực khống chế bản thân sẽ tăng trưởng dần theo độ tuổi tăng tiến. Chúng ta cần phải có ý thức rèn luyện ngay từ lúc còn bé.
9) Hiệu ứng gió nam
Cách gọi khác là quy tắc “nóng ấm”, xuất phát từ một câu chuyện ngụ ngôn của Pháp: gió bắc và gió nam cùng nhau so uy lực, xem xem kẻ nào có thể khiến cho áo khoác của người đi đường bị thổi tuột ra khỏi mình. Gió bắc thổi từng đợt khí lạnh buốt xương, khiến cho người đi đường càng kéo áo khoác bó chặt vào người để giữ ấm. Gió nam lại nhẹ nhàng lay động, người đi đường cảm thấy càng ngày càng nóng, liền cởi áo khoác ngoài ra.
Khi hành xử trong mối quan hệ giữa người với người, nên đặc biệt chú ý coi trọng phương pháp giao tiếp “ấm áp chiến thắng rét buốt”, bình tĩnh hòa nhã nói chuyện với nhau, lúc nào cũng có khả năng biến thù địch trở thành bằng hữu.
10) Hiệu ứng bánh sandwiches
Trong tâm lý học phê bình có viết rằng: nếu đem một câu phê bình kẹp vào ở giữa hai câu khen ngợi, thì sẽ khiến người bị phê bình cảm thấy vui vẻ mà tiếp nhận lời phê bình này hơn.
Trong lúc tiến hành góp ý và phê bình, cùng lúc đó xin chớ quên bày tỏ sự thừa nhận, tán thưởng, khẳng định, quan tâm đến đối phương. Như vậy có thể khiến cho người bị phê bình tích cực mà tiếp nhận lời phê bình, đồng thời cũng sẽ tự mình thay đổi mặt chưa đủ tốt của mình.
11) Hiệu ứng phơi sáng
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu đối với sự hấp dẫn trong mối quan hệ giao tiếp giữa con người với nhau, và phát hiện ra hiện tượng, con người chúng ta có xu hướng thiên vị tình cảm đối với những sự vật quen thuộc, khi nhìn thấy một người nào đó nhiều lần thì sẽ cảm thấy người này khiến người ta vui vẻ và yêu thích.
Nếu như muốn tăng cường sức hấp dẫn của mình trong giao tiếp, thì nên lưu ý nâng cao tần suất xuất hiện trước mắt người khác, có một ưu thế “quen mặt” thì lại càng dễ dàng có được hảo cảm.
12) Hiệu ứng cửa sổ vỡ
Một ngôi nhà nếu như có một ô cửa sổ vỡ mà không có ai đi tu sửa, lâu ngày dần các ô cửa sổ khác cũng sẽ bị đập vỡ một cách lạ kỳ không rõ nguyên cớ. Môi trường sống sinh ra tính ám thị và tính dẫn dụ rất cao đối với con người.
Trong công việc, giờ giờ khắc khắc đều nên duy trì tính cảnh giác, đừng để bản thân mình biến thành một ô cửa sổ mà mặc ai cũng có thể đập vỡ dễ dàng.
13) Hiệu ứng cái ngạch cửa
Muốn để người khác tiếp nhận một yêu cầu rất khó, thì trước tiên nên để người ta tiếp nhận một yêu cầu đơn giản đã. Như thế người ta có thể khá dễ dàng tiếp nhận những yêu cầu cao hơn. Hiện tượng tâm lý này được gọi là “hiệu ứng cái ngạch cửa”. Hay còn gọi là “hiệu ứng được voi đòi tiên”.
Khi đặt ra yêu cầu đối với người khác, chớ nên ngay khi bắt đầu đã đặt ra một yêu cầu quá cao, nên bắt đầu từ yêu cầu nhỏ trước, thông qua cổ vũ khích lệ dần dần từng bước hướng đến yêu cầu cao hơn.
Ngoài ra, cũng nên chú ý “ngạch cửa” của chính mình, lúc cần từ chối thì phải kiên quyết từ chối. Chớ để lại cho người khác ấn tượng rằng mình dễ sai khiến, yêu cầu nhỏ nhặt gì cũng đáp ứng, thì người khác sẽ ngầm nhận định rằng họ có thể yêu cầu mình làm nhiều việc khác khó hơn vất vả hơn.
14) Hiệu ứng lồng chim
Nếu như trong phòng khách nhà một người nọ có một cái lồng chim, một khoảng thời gian sau, rất có thể người nọ sẽ đi mua một con chim về bỏ vào lồng chứ không phải đem cái lồng vứt đi.
Con người trên cơ bản thường hay giống như vậy, khi ngẫu nhiên có được một thứ vốn hoàn toàn không thật sự cần thiết, thì họ sẽ bất tri bất giác mà mang thêm về càng nhiều những thứ mà bản thân không cần thiết khác nữa để phối cho hợp với những thứ đồ dư thừa kia, chứ không phải hành động theo cách nghĩ đúng đắn là đáng lẽ nên đem vứt đi những thứ đồ dư thừa mà bản thân mình không cần dùng tới ấy.
Nguồn: weibo 睡前读书
Bài dịch bởi 珍珍妮子
@jw88.zhenzhennizi
暂无评论内容