[ZHIHU ASK] CÂU CHUYỆN TÌNH YÊU CỦA CHA MẸ TÔI

[ZHIHU ASK] CÂU CHUYỆN TÌNH YÊU CỦA CHA MẸ TÔI

 Năm 1974, mẹ tôi quyết tâm cắt tóc đi tu. Câu chuyện bắt đầu từ những năm 60, mẹ tôi đang học dở lớp 8 thì bị bắt thôi học trở về quê. Bà ngoại tôi mất sớm, ông ngoại tôi lấy vợ hai. Ông làm nghề hát dạo kiếm sống, quanh năm bôn ba không về nhà. Mẹ tôi trở về quê đương nhiên không được mẹ kế yêu thương chăm sóc. Chưa đến hai năm, mẹ kế lấy lý do con gái lớn không giữ được trong nhà và gả mẹ tôi cho một người đàn ông trong xóm. Lúc ấy mẹ tôi cũng chỉ biết tự an ủi, lấy chồng rồi rời xa nhà mẹ kế cũng tốt, sau này ở nhà chồng có thể tự sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mẹ tôi lấy chồng được một năm thì mang thai chị cả của tôi. Trong thời gian bà ấy mang thai, người chồng lại đi cưỡng hiếp thôn nữ, bị bắt đi trại lao động cải tạo. Bà mẹ chồng không ngớt mắng mỏ mẹ tôi là đồ sao chổi xui xẻo, hại con trai bà ta, còn mẹ tôi thì chỉ dám khóc thầm. Mẹ tôi sinh xong, là con gái, thế nên càng bị mắng mỏ thậm tệ hơn, giữa mùa đông lạnh giá phải tự ra sông giặt quần áo, ngày ngày chỉ được ăn vài ngụm cháo lạnh ngắt. Hàng xóm có người thực sự không nhìn nổi nữa, một hôm nhân lúc bà mẹ chồng đi vắng nấu một bát canh gà mang cho mẹ tôi ăn, ai ngờ canh gà chưa ăn được bao nhiêu mẹ chồng đã về, tức giận đùng đùng đuổi bác hàng xóm đi, mắng mẹ tôi làm bà ta mất mặt, cầm gậy trúc đánh mẹ tôi. Mỗi khi nhớ về mùa đông năm ấy mẹ tôi đều thở dài hoài niệm. Nếu không phải thỉnh thoảng có mấy ngụm canh gà của bác gái kia, mẹ tôi có lẽ không thể vượt qua được mùa đông lạnh giá ấy. Mọi người có biết cách đánh người độc ác nhất của phụ nữ nông thôn là gì không? Bà mẹ chồng ép mẹ tôi vào góc tường, một tay bóp miệng, một tay thò vào cào rách đáy lưỡi, làm như vậy mẹ tôi sẽ vô cùng đau đớn, vết thương rất khó lành mà cũng không thể nói với ai. Khi ấy mẹ tôi liều chết cắn tay bà mẹ chồng, bà ta không buông tay mẹ tôi cũng sẽ không chịu nhả. Hình ảnh ấy tôi thực sự khó mà tưởng tượng nổi, mỗi lần nghĩ đến đều thấy rất xót xa.  Tại sao không rời khỏi ngôi nhà ấy? Mẹ tôi bảo rằng chị tôi vừa chào đời còn quá nhỏ, hai mẹ con không có nơi nào để đi, ở trong căn nhà đó tuy khổ sở, nhưng ít nhất cũng có một nơi tránh mưa tránh gió. Cố gắng sống ở đó thêm ba năm, ông chồng cuối cùng cũng được thả về, khóc lóc với mẹ tôi rằng sẽ thành tâm hối cải không bao giờ phạm lỗi nữa, mẹ tôi mềm lòng, lại quyết định sống ở đó không chuyển đi. Ai ngờ một năm sau, ông ta nhân lúc một người anh họ bị ung thư phải đi trị bệnh liền gian díu với chị dâu, từ đó bỏ đi không trở về. Trong lúc tuyệt vọng đến cùng cực, mẹ tôi phát hiện mình lại mang thai. Lần này thì sao đây? Làm sao mà đợi được ông ta quay về lần nữa? Mẹ tôi nhìn chị tôi khi ấy đã 4 tuổi, rồi lại nghĩ đến bản thân mình. Mẹ tôi cũng mất mẹ năm 4 5 tuổi, tuy khốn khổ nhưng vẫn có thể trưởng thành khôn lớn. Có lẽ mẹ tôi không chịu đựng thêm được nữa, đành đau khổ bỏ chị tôi lại cho mẹ chồng, đến nương nhờ bà ngoại mẹ tôi, cũng là cụ ngoại tôi. Mẹ tôi nghĩ đợi sinh con xong sẽ đem đi cho rồi xuất gia, một đời thanh tịnh không vướng bận gì thêm nữa. Cách nhà cụ ngoại không xa có một thôn tên là thôn Đông Thạch, nơi ấy có một anh chàng gầy tong teo, nhà thì nghèo đến mức không có gì ngoài bốn bức tường với một cái nồi, lấy cánh cửa tháo ra để làm giường. Anh ta trước kia từng là thần đồng trong thôn, đọc sách học chữ chỉ cần nhìn qua là nhớ, được thôn gửi lên huyện học tiểu học, cha thì mất sớm, hiện giờ sống cùng với mẹ. Bởi vì nhà quá nghèo nên không lấy được vợ, không có con gái nhà ai muốn cưới. Một hôm mọi người trêu trọc chuyện anh ta không lấy được vợ thì đột nhiên nhắc đến mẹ tôi – người phụ nữ bị đàn ông phản bội đến hai lần phải nương nhờ nhà bà ngoại, chờ sinh con xong sẽ xuất gia làm ni cô. Anh ta nghe xong liền đau lòng, nhưng người xung quanh lại can rằng: không ổn đâu, cô này từng đi học đấy, khẳng định là không biết làm việc, cậu muốn tìm vợ thì phải tìm ai khỏe như vâm để còn làm việc kiếm ăn mới tốt, hơn nữa còn đang mang bầu, cưới về chẳng phải rước thêm gánh nặng hay sao. Nhưng chàng ta nghe thấy vậy lại vui mừng khôn xiết, phụ nữ từng đi học thì càng tốt chứ sao! Anh chàng bèn dò hỏi địa chỉ của mẹ tôi, trước khi đi tìm mẹ tôi một ngày thì cố làm hết công việc còn sót lại.  Hôm ấy anh ta trốn ở ven đường đi làm đồng của mẹ tôi hằng ngày. Đợi hơn nửa tiếng đồng hồ, cuối cùng cùng thấy một người phụ nữ gầy gò đội nón, tay xách thùng phân bón, càng đi càng tới gần. Mẹ tôi kể đến đây thì bỗng bật cười, anh chàng lúc ấy nhìn mẹ tôi đến ngây ngốc, trở về nhà thì cả đêm không ngủ. Hôm sau bèn tìm một người quen nhà cụ ngoại, cùng nhau đến nhà cụ ngoại tôi để gặp mặt. Nhưng cái thời ấy người ta ngại ngùng lắm, anh chàng hôm ấy chẳng nói câu nào, chỉ cúi đầu cười ngốc, còn người trung gian anh ta tìm để đi cùng thì nói: Bà ơi, đây là bạn cháu, hôm nay tình cờ gặp được nên cùng cháu vào đây.  Thế là từ đó anh chàng ngày nào cũng cố gắng làm nhanh xong việc, hoàng hôn xuống thì chạy mười mấy cây số đến nhà cụ ngoại tôi ngồi. Nhưng mẹ tôi khi ấy không thích gặp người lạ, khách đến là sẽ trốn vào phòng trong, anh chàng thì không giỏi nói chuyện, mỗi lần đến thì chỉ biết ngồi ngây ngốc, thỉnh thoảng nhìn thấy mẹ tôi thoáng qua ở nhà trong. Lúc ấy cụ tôi nghĩ rằng, anh chàng này kỳ lạ thật đấy, cũng chẳng quen thân gì, sao ngày nào cứ đến lúc mặt trời xuống núi lại chạy đến đây ngồi ngây ngốc. Nhưng cụ tôi là người rộng lượng lại hiền lành, cũng không nỡ đuổi anh ta đi. Ba tháng sau, một hôm anh chàng không đến nữa, người trung gian lần trước đến nhà đưa cho cụ tôi một phong bao lì xì, nói là làm mối. Mẹ tôi lúc ấy mới hiểu, bật khóc nức nở, cụ tôi thì lại hihi cười bóc lì xì, bên trong có mấy chục nghìn, thời ấy mấy chục nghìn nhiều lắm. Mẹ tôi giật lại bao lì xì nhét lại vào trong tay người làm mối: “Tôi không gả, cả đời này không bao giờ muốn gả cho ai nữa!” Người làm mối đem lì xì trả lại cho anh chàng, anh ta buồn bã ốm nặng một trận, mẹ anh ta khuyên thế nào cũng không được, còn anh ta thì luôn miệng, đời này không phải cô ấy thì con không cưới. Khỏi bệnh xong thì mọi chuyện lại trở về như cũ, anh chàng lại mỗi ngày chạy mười mấy cây số đến nhà cụ tôi ngồi ngây ngốc. Cụ tôi lúc thì khuyên anh ta, lúc thì khuyên mẹ tôi. Mẹ tôi thì vẫn trốn ở phòng trong, có lúc tức giận chạy ra ngoài đuổi anh ta đi. Mẹ tôi không hiểu anh ta nghĩ gì, bụng mẹ tôi thì mỗi ngày một lớn, anh ta cũng ngày ngày tới thăm không hề gián đoạn, cũng không hề để tâm mẹ tôi tức giận hay là lạnh nhạt, càng không để ý đến người ngoài chế giễu gièm pha.  Vài tháng trôi qua, đến ngày mẹ tôi sắp chuyển dạ rồi, đáng ra lúc ấy các cô các dì phải bận bịu hỗn loạn lắm, ai ngờ cụ tôi lại tươi cười tìm một thằng bé hàng xóm chạy sang thôn bên gọi anh chàng kia: “Anh mau mượn cái xe đạp mà phóng sang đi”. Anh chàng nghe xong liền hiểu ý, vội vàng mượn một chiếc xe đạp phóng sáng nhà cụ tôi. Mẹ tôi nhìn thấy anh ta đến thì vô cùng ngạc nhiên, nhưng lúc ấy mẹ tôi đau đớn không tài nào cử động, chỉ đành mặc kệ để mọi người bọc mình lại dìu lên ghế sau xe đạp. Anh chàng chậm rãi đẩy xe đạp, mồ hôi nhễ nhại nhìn trời dần tối, sốt sắng chuyển mẹ tôi về nhà anh ta nghỉ ngơi, sợ không cẩn thận sẽ làm mẹ tôi đau. Hai người họ im lặng suốt quãng đường. Mẹ tôi bước qua cánh cửa nhà anh ta, coi như là đã thành vợ thành chồng. Không bao lâu sau chị hai của tôi ra đời, ngày hôm ấy là ngày đầu năm mới, mọi thứ đều như mới khởi đầu.  Mọi người có lẽ cũng đoán được, anh chàng ấy chính là bố tôi. Mẹ tôi kể rằng bố tôi không biết nói chuyện, cũng không dám quá mức thân cận mẹ tôi, bà ngoại cũng rất tử tế. Trong nhà nghèo, ngày ngày vay vay mượn mượn chăm sóc mẹ tôi suốt một tháng ở cữ tay không phải chạm nước, chân không phải xuống giường. Bố tôi và bà ngoại luôn coi chị tôi như con cái ruột trong nhà, nâng niu như vàng ngọc, thỉnh thoảng có đi đám cỗ cũng cố đem về cho chị tôi vài cái kẹo. Bố tôi là người rất coi trọng thể diện, có nghèo thế nào vẫn phải cố giữ được thanh cao, nhưng có một hôm bố tôi dắt tay chị tôi năm ấy đã ba tuổi đi qua vườn vải, chị tôi rất thèm nhưng nhà lại không có. Bố tôi lúc ấy đã trèo qua hàng rào nhảy vào trong, nhưng không hái trên cây mà nhặt quả dưới đất đưa cho chị tôi ăn.  Mẹ tôi luôn mong nhớ chị cả trước kia mẹ tôi bỏ lại, nhưng cũng chỉ biết thở dài, bây giờ một nhà bốn người cuộc sống đã rất khó khăn rồi, nên không bao giờ nói ra. Bố tôi biết chuyện, không nói không rằng liền kéo theo mẹ tôi đi đón chị cả tôi về. Trong thôn thỉnh thoảng có gánh chiếu phim, bố mẹ tôi sẽ cùng nhau đi xem, nếu mẹ tôi không đi, bố tôi cũng sẽ một mình đi xem rồi về kể cho mẹ tôi nghe từ đầu đến cuối. Thỉnh thoảng trong nhà dành dụm được ít tiền bố tôi cũng sẽ mua cho mẹ và chị tôi quần áo mới, nếu mẹ tôi không chịu mua, bố tôi cũng nhất định không chịu mua cho mình. Còn mẹ tôi thì bị người ta đồn từng đi học nên không biết làm việc, thỉnh thoảng gặp vài người cay nghiệt kiểu gì cũng bị cười nhạo. Nhưng một năm sau, mẹ tôi đã có tiếng lành đồn xa vừa hiền thục vừa đảm đang. Mấy năm sau thì mẹ sinh tôi, rồi cả em trai tôi. Bố mẹ tôi quyết định rời quê, lên thành phố bán hoa quả, sau này còn bán vật liệu xây dựng, gia đình càng ngày càng khấm khá.  Năm 1997, bố tôi đột nhiên qua đời trong một trận bạo bệnh. Mẹ tôi thường hay mơ thấy bố tôi, lúc thì mơ thấy ông ấy quay lại, đứng trước cửa căn nhà mới của nhà tôi, lúc thì mơ thấy bố tôi nói ông chưa chết, đang cùng một vị tiên lên núi tu luyện thần công. Mẹ tôi có lần đi tìm thầy làm lễ cúng, hỏi bố tôi ở bên ấy sống có tốt không, thầy mượn giọng bố tôi nói rằng: “Tôi bên này sống tốt lắm, quần áo tiền bạc bà đốt cho tôi dùng mãi không hết, đi xe còn có cả tài xế riêng. À đúng rồi, tôi lấy vợ mới rồi, mới hơn 30 tuổi, rất biết chăm sóc người khác”. Mẹ tôi nghe xong giận dỗi bỏ về, miệng lẩm bẩm: “Rõ ràng ông nói là sẽ đợi tôi”. Trịnh Thu Mai (Quần Đùi Hoa) dịch

Nếu bạn thấy bài viết hữu ích đừng quên dành tặng tác giả 1 like nhé ^^!

Bài viết đã được bảo vệ bản quyền bởi:

Content Protection by DMCA.com
Group: Chia sẻ tin tức Weibo24h

Group chia sẻ tin tức Wibo24h

Admin: Trần Ngọc Duy

Trang Facebook của admin

Group: Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc

Group chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tự Apply học bổng Trung Quốc

© 版权声明
THE END
Hãy GỬI TẶNG tác giả 1 LIKE nếu bạn thấy thích bài viết này nhé ^^!
点赞0 分享
Bình luận 抢沙发
头像
Hoan nghênh bạn để lại 1 bình luận có giá trị!
提交
头像

昵称

取消
昵称表情代码图片

    暂无评论内容